Tất cả chúng ta thường xuyên được cảnh báo về các tiểu hành tinh khổng lồ đang tiến về phía Trái đất và những nỗ lực để tránh ngày này. Nhưng ít người nhận ra rằng, có một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn ngay trên mặt đất. Mối đe dọa này cũng có khả năng xảy ra cao hơn rất nhiều so với một tiểu hành tinh va vào Trái đất.
Mối đe dọa bị lãng quên này chính là núi lửa. Các chuyên gia cho rằng núi lửa gần như không nhận được sự quan tâm đầy đủ để ngăn chặn sự chết chóc và tàn phá trên diện rộng. Nhìn lại lịch sử, những khối lửa này đã tàn phá hành tinh của chúng ta hết lần này đến lần khác. Theo Tiến sĩ Michael Cassidy từ Đại học Birmingham và Tiến sĩ Lara Mani tại Đại học Cambridge, thế giới vẫn “thiếu chuẩn bị một cách đáng tiếc”.
Họ nói rằng nguy cơ thảm khốc của một vụ phun trào khổng lồ tương tự như một tiểu hành tinh rộng 1km đâm xuống Trái đất. Nhưng sự khác biệt đáng kinh ngạc là thảm họa núi lửa có khả năng xảy ra cao hơn khả năng va chạm của một tiểu hành tinh hoặc sao chổi cộng lại gấp hàng trăm lần.
Thậm chí, các nhà khoa học dự đoán có 1/6 khả năng xảy ra một vụ phun trào ở cường độ 7 trong thế kỷ này. Nếu bạn đang tự hỏi cường độ 7 tồi tệ đến mức nào thì nó lớn gấp 10 hoặc 100 lần so với vụ phun trào khủng khiếp ở Tonga xảy ra vào tháng 12/2021.
Hunga Tonga – Hunga Haʻapai, tên gọi của ngọn núi lửa dưới nước, khiến 6 người thiệt mạng và không phải tất cả nạn nhân đều ở trên Đảo. 2 người chết đuối do một con sóng lớn trên bãi biển ở Peru. Tại Nhật Bản và Mỹ, hàng trăm nghìn người được yêu cầu tránh xa bờ biển do lo ngại sóng thần. Trong khi đó, các hòn đảo ở Thái Bình Dương ngay gần đó bị bao trùm bởi tro bụi, nguồn điện bị cắt và các vấn đề liên lạc kéo dài. Tuyến cáp quang biển quan trọng của Tonga phải mất cả tháng để sửa chữa. Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng sự gián đoạn nghiêm trọng và thiệt hại lớn về nhân mạng nếu xảy ra một vụ phun trào lớn gấp 10 hoặc 100 lần.
Bạn chỉ cần tìm kiếm các bài báo cũ để biết những vụ phun trào cường độ 7 tồi tệ như thế nào. “Những phụ phun trào khủng khiếp như vậy gây ra biến đổi khí hậu đột ngột và sự sụp đổ của các nền văn minh xưa kia”, Tiến sĩ Mani nói.
Vụ phun trào cường độ 7 gần đây nhất xảy ra tại Indonesia vào năm 1815 và ước tính có khoảng 100.000 người thiệt mạng. Sự kiện khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm 1 độ, vì vậy nó được gọi là “năm không có mùa hè”. Cây trồng không phát triển tốt, kéo theo nạn đói cũng như các cuộc nổi dậy và dịch bệnh.
Tiến sĩ Cassidy cảnh báo: “Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới với dân số gấp 8 lần và mức độ thương mại gấp 40 lần. Các mạng lưới toàn cầu phức tạp có thể khiến chúng ta thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc của một vụ phun trào lớn".
Chi phí tài chính cho một vụ phun trào khủng khiếp như vậy ngày nay cũng có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng thiếu quy hoạch hiện nay là "liều lĩnh". Họ muốn công nghệ phát hiện tốt hơn giải quyết vấn đề này.
Tiến sĩ Mani tiếp tục: “Hàng trăm triệu đô la được bơm vào các mối đe dọa từ tiểu hành tinh mỗi năm, nhưng nguồn tài chính toàn cầu và sự phối hợp để chuẩn bị cho núi lửa vẫn thiếu nghiêm trọng. Điều này cần phải thay đổi gấp. Chúng ta hoàn toàn đánh giá thấp nguy cơ mà núi lửa gây ra đối với xã hội này".
Tiến sĩ Cassidy nói thêm: "Chúng ta có thể không biết về những vụ phun trào tương đối gần đây do thiếu nghiên cứu về các lõi hồ và biển, đặc biệt là ở các khu vực bị bỏ quên như Đông Nam Á. Núi lửa có thể nằm im trong thời gian dài, nhưng vẫn có khả năng hủy diệt đột ngột và phi thường”.
(Theo The Sun)
>> Xem thêm: Tận thấy điều kỳ diệu: Ngọn núi lửa phun ra băng trên thảo nguyên