Các nhà khoa học định nghĩa một ngọn núi lửa đang hoạt động là một ngọn núi lửa đã phun trào trong 10.000 năm qua. Dựa trên định nghĩa này, trái đất có khoảng 1.500 núi lửa đang hoạt động trải dài trên toàn cầu. Khoảng 75% trong số đó nằm dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương - một khu vực trải dài theo chu vi đất liền trên Thái Bình Dương.
Điểm qua những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới.
1. Mauna Loa - Hawaii
Mauna Loa được phong danh hiệu ngọn núi lửa lớn nhất trên Trái đất và đã phun trào nhiều lần liên tục trong 700.000 năm qua. Do dung nham chảy thường xuyên nên ngọn núi này gây rủi ro lớn cho các cộng đồng xung quanh.
2. Eyjafjallajokull - Iceland
Eyjafjallajokull phun trào gần đây vào năm 2010 nhưng tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nó vẫn nằm trong danh sách những ngọn núi lửa nổi tiếng nhất hiện nay. Ngọn núi lửa đặc biệt này có một chỏm băng bao phủ miệng, khá là khác biệt so với những ngọn núi lửa khác.
3. Núi Vesuvius - Italy
Núi Vesuvius nằm cách thành phố Naples, Italy 9km. Đây là khu dân cư gần núi lửa đông nhất thé giới. Lần phun trào năm 79 sau Công nguyên đã vùi lấp các thành phố Pompeii và Herculaneum dưới tro bụi và dung nham. Đây là ngọn núi lửa duy nhất trên lục địa Châu Âu đã phun trào trong vòng một trăm năm qua. Ngày nay, nó được coi là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất trên thế giới, vì nằm gần Naples và xu hướng phun trào dữ dội.
4. Núi Nyiragongo - Congo
Núi Nyiragongo có một trong những hồ dung nham lớn nhất thời hiện đại bên trong miệng núi lửa chính. Nằm trong Vườn quốc gia Virunga ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nó gây ra khoảng 40% các vụ phun trào lịch sử ở châu Phi.
Kể từ năm 1882, núi lửa đã phun trào ít nhất 32 lần và hồ dung nham của nó luôn cho thấy sự dao động về mức độ, cho thấy hoạt động của magma dưới lòng đất.
Ngày 10/1/1977, các bức tường của miệng núi lửa bị nứt vỡ, và toàn bộ dung nham rút sạch khỏi hồ trong chưa đầy một giờ, chảy xuống mặt núi với tốc độ 60km/h, tràn xuống các ngôi làng trên sườn núi, cướp đi ít nhất 70 nhân mạng.
Các hồ dung nham được cải tạo trong miệng núi lửa sau các vụ phun trào vào năm 1982–1984, và núi lửa lại phun trào vào tháng 1/2002. Kể từ đó, lượng khí tiếp tục phun ra. Sự gia tăng của hồ dung nham vào năm 2020 khiến các chuyên gia cho rằng núi lửa có thể phun trào trở lại vào năm 2024.
5. Núi lửa Taal - Philippines
Nằm cách thủ đô Manila 48km về phía nam, núi lửa Taal là ngọn núi lửa thứ hai đang hoạt động tại Philippines. Tuy nhiên, ngọn núi lửa này đáng chú ý do thiệt hại nó gây ra trong những năm qua với khoảng 6.000 nhân mạng đã bị cướp đi. Do gần các trung tâm dân cư đông đúc, ngọn núi này vẫn luôn là một mối nguy hiểm.
Từ năm 1977, ngọn núi ngủ yên nhưng đã phun trào vào tháng 1/2020, phun tro tới tận Metro Manila và một phần trung tâm Luzon.
6. Núi Merapi - Indonesia
Núi Merapi được cho là đã tạo ra nhiều dòng dung nham hơn bất kỳ núi lửa nào trên khắp thế giới. Vào ngày 25/10/2010, dung nham bắt đầu phun trào từ các sườn núi phía nam và kéo dài trong suốt tháng 11. Khoảng 350 người đã qua đời, nhiều người dân xung quanh mất nhà cửa. Đây là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, phun trào gần đây vào năm 2018 và gây ra các cuộc sơ tán thường xuyên trong khu vực.
7. Galeras - Colombia
Đỉnh Galeras cao tới 4.276m so với mực nước biển và hoạt động khá ít trong hàng triệu năm qua. Người ta cho rằng Galeras đã là một ngọn núi lửa hoạt động trong khoảng một triệu năm, nhưng lần phun trào đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1535. Một vụ phun trào cách đây hơn 500.000 năm đã thực sự đẩy 15 km khối vật chất ra môi trường xung quanh và hình thành một miệng núi lửa. Ngọn núi lửa nằm gần thành phố Pasto và là một mối đe dọa.
Đáng chú ý, vào năm 1978, các nhà khoa học cho rằng ngọn núi lửa này đã ngừng hoạt động nhưng chỉ 10 năm sau nó lại phun trào. Sau đó, vào năm 1993, nó phun trào trong khi hội nghị Núi lửa Thập kỷ diễn ra ở Pasto. 6 nhà khoa học và 3 du khách khi ấy đã qua đời.
8. Sakurajima - Nhật Bản
Sakurajima từng là núi lửa trên một hòn đảo riêng biệt sau đó dung nham phun trào đủ để nối nó với bán đảo Osumi của Nhật Bản. Núi lửa này đã phun trào gần như liên tục kể từ năm 1955, và hàng nghìn vụ thức giấc nhỏ xảy ra mỗi năm, tạo ra những rủi ro cho thành phố Kagoshima gần đó.
9. Santa Maria - Guatemala
Núi lửa Santa Maria nằm ở vùng cao nguyên phía tây của Guatemala, gần thành phố Quetzaltenango. Miệng núi lửa của nó được hình thành trong một vụ nổ vào năm 1902. Đây là một trong ba vụ phun trào lớn nhất trong thế kỷ 20 và là một trong 5 vụ phun trào lớn nhất trong vài trăm năm qua.
Núi lửa này nằm dọc theo đường đứt gãy của mảng Cocos và mảng Caribe. Chính sự chuyển động của mảng đứt gãy là nguyên nhân khiến núi lửa thức giấc. Lần phun trào gần đây nhất là vào tháng 2/2011. Kể từ đó các dòng dung nham khá ổn định.
(Theo Interestingengineering)