Chứng kiến cảnh mẫu thân, nạn nhân đau thương của những âm mưu thâm độc ở chốn hậu cung, bị sát hại dã man, hoàng đế Hoằng Trị (vị vua thứ 9 thời nhà Minh) đã nhất quyết chọn cuộc sống không tì thiếp.
Lịch sử ghi chép lại rằng, thiết quân luật tối cao mà vị hoàng đế này ban hành là luật "một vợ một chồng". Điều này thật khó mà tin được, bởi trong lịch sử phong kiến, vị vua nào khi đăng cơ cũng đều có một hậu cung đông đảo cung tần, mỹ nữ xinh đẹp, hiếm ông vua chịu cảnh mỗi đêm chỉ ăn nằm với một người phụ nữ.
Nhưng ít nhất đã có một vị vua làm chuyện "ngược đời" như vậy. Đó là vị vua đời thứ 9 của nhà Minh, hoàng đế Hoằng Trị (tên húy Chu Hựu Đường), lấy hiệu Minh Hiếu Tông, trị vì từ năm 1487 đến năm 1505.
Chân dung hoàng đế Chu Hựu Đường, vị vua đời thứ 9 nhà Minh |
Thuở nhỏ, vị vua này đã bị ám ảnh bởi cuộc tàn sát, tranh giành quyền lực chốn hậu cung, khiến mẫu thân mình phải chết tức tưởi. Khi lên ngôi, ông quyết định chỉ "chung chăn gối" với một người phụ nữ duy nhất, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như dập tắt những mầm mống tranh quyền đoạt vị sau này.
Các hoàng đế Trung Hoa thường có rất nhiều vợ cùng hàng trăm cung tần mỹ nữ sẵn sàng hầu hạ. Trước để đảm bảo có người nối dõi, sau để phục vụ chuyện phòng the.
Tiến sĩ Kenneth Swope, đến từ đại học Southern Mississippi, cho rằng cuộc sống "một vợ một chồng" của hoàng đế Hoằng Trị có thể liên quan mật thiết đến câu chuyện đau buồn của mẹ ông. Câu chuyện kinh khủng đã ám ảnh vị hoàng đế từ thuở nhỏ tới khi làm vương thiên hạ.
Hầu hết các vị hoàng đế đều có hậu cung đông đảo tì thiếp, bức tranh trên họa lại cảnh vua Càn Long nhà Thanh cùng các Vương Phi của mình |
Vị hoàng đế chọn "cuộc sống khác"
Theo luật nhà Minh, từ thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập quốc, nếu vị vua đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, vị vua có quyền lập thêm một vương phi, được người vợ cả chọn lựa (cần phân biệt rõ ràng giữa cung tần mỹ nữ và vương phi, dù tất cả có thể ở hậu cung nhưng vương phi là người được vua ưu ái dựng làm vợ lẽ).
"Một vị hoàng đế có thể có tới 10 nghìn cung tần, mỹ nữ trong hậu cung", tiến sĩ Swope cho biết. Chắc chắn không phải người nào cũng có cơ hội được "hầu hạ" vua, có thể mỗi đêm vị vua ngủ cùng nhiều người, nhưng rốt cuộc, chỉ có khoảng vài chục người thường xuyên được "gọi", trong số ấy cũng chỉ có 5,6 người vua thực sự sủng ái.
Hoàng đế Trung Hoa có thể có bất cứ thứ gì mình muốn. Tranh vẽ họa lại cảnh hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh du ngoạn trên sông. Riêng hoàng đế Hoằng Trị chỉ muốn sống yên bình bên một người vợ duy nhất. |
Hoàng đế Hoằng Trị không hề có con ngoài giá thú và cũng không có quan hệ ngoài hôn nhân, ông nhất nhất chung chăn gối với đúng một người là hoàng hậu của mình. "Điều này thực sự rất khác thường," Sarah Schneewind, học giả nghiên cứu lịch sử triều Minh tại Đại học San Diego, California cho biết.
Điều gì đã khiến hoàng đế Hoằng Trị có quyết định lạ lùng bậc nhất lịch sử Trung Hoa như vậy? Câu hỏi sẽ được trả lời khi lật lại lịch sử triều Minh thời Thuần đế Hiến Tông, trị vì từ năm 1464 - 1487, thời điểm những âm mưu thâm độc chốn hậu cung khiến cả vương triều hùng mạnh bỗng trở nên hỗn loạn tới mức có nguy cơ sụp đổ.
Tuổi thơ sóng gió của hoàng đế Hoằng Trị
Hoàng đế Hoằng Trị là con trai thứ 3 của hoàng đế Thành Hóa (tên húy Chu Kiến Thâm), hiệu Minh Hiến Tông, và Hiếu Mục hoàng hậu (tên húy Thục Kỷ), vốn là phi tần trong hậu cung.
Khi đó, vua Thành Hóa có con trai với Vạn quý phi, người rất được vua sủng ái, tuy nhiên, vị hoàng tử ấy chết yểu, Vạn quý phi tính tình hiểm độc, lập dã tâm không để bất cứ vị phi tần nào sinh con.
Vạn quý phi giết tất cả đứa trẻ là con của hoàng đế với các cung phi. Chỉ cần phát hiện cung phi nào mang thai, bà lập tức bỏ thuốc độc, ép phá thai, thậm chí còn giết chết người đó, thủ đoạn vô cùng thâm độc.
Như số trời đã định, chỉ có duy nhất một đứa trẻ thoát khỏi nanh vuốt của Vạn quý phi, đó là Chu Hựu Đường (hoàng đế Hoằng Trị sau này). Mẹ ruột của Hựu Đường là Kỷ thục phi, người đã che dấu kỹ càng thân phận của vị vua tương lai trong 5 năm, nhờ sự giúp đỡ của một thái giám thân tín và cả hoàng hậu Hiếu Trinh Thuần.
Sau khi nhận ra con cái của mình "bỗng dưng" chết yểu, hoàng đế Thành Hóa vô cùng hoảng loạn, ông bắt đầu chú trọng hơn tới những sự việc xảy ra trong cung cấm. Tới khi Hựu Đường xuất hiện sau thời gian dài ở ẩn, Minh Hiến Tông vô cùng vui mừng, lập tức chọn vị hoàng tử nhỏ tuổi làm người kế nhiệm.
Mẫu thân qua đời và bài học khắc cốt ghi tâm rời xa lối sống đa thê thiếp
Đến lúc này, Vạn quý phi muốn hạ sát Hựu Đường cũng không thể. Bà tức giận ra lệnh giết chết Kỷ thục phi. Kể từ giây phút đó, Hựu Đường biết chắc rằng, triều đình tương lai của mình sẽ không tồn tại hậu cung.
"Nói cách khác, khi hoàng tử Hựu Đường lớn lên, ông khắc cốt ghi tâm kinh nghiệm sống còn là chế độ đa thê đa thiếp tương đương với loạn lạc, giết người - có thể đẩy cả vương triều đến bờ diệt vong," học giả Schneewind cho biết.
"Hoàng đế Hoằng Trị muốn tất cả con đẻ và vợ mình được sống yên bình, ông cũng không muốn lo lắng về việc các cung tần của mình giết hại lẫn nhau vì chuyện kế vị. Rốt cuộc, hoàng đế chỉ muốn chung chăn gối với một người duy nhất."
Tất cả cung tần, mỹ nữ đều sống trong hậu cung, ai cũng mong muốn được hầu hạ nhà vua, thoát khỏi cảnh sống tù túng. Ảnh chụp Tử Cấm Thành, Bắc Kinh |
Tất cả những cải cách, đổi mới nhằm chống tham nhũng, suy đồi khiến hoàng đế Hoằng Trị trở thành vị hoàng đế công minh và ít tai tiếng bậc nhất lịch sử nhà Minh.
Trong đạo Nho, lòng trung thành luôn được coi trọng đặc biệt. Đàn ông Trung Hoa theo đạo Nho sẽ được người đời tán dương vì chung thủy với một người vợ duy nhất, dù người vợ đó đã chết hoặc sống trong tình trạng tàn tật.
Triều đại kéo dài 276 năm trong lịch sử Trung hoa nhờ thế được lưu truyền tiếng thơm đến tận ngày nay là vì đã đem đến luồng gió mát của Nho giáo thay thế cho Đạo giáo cứng nhắc.
Những giá trị truyền thống này được hoàng đế Hoằng Trị tôn trọng hết mực. Thêm vào đó, theo lời khuyên của các thầy lang thời Minh, quan hệ tình dục quá nhiều sẽ khiến cơ thể đàn ông suy nhược, lúc nào cũng cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi.
Thời hoàng đế Hoằng Trị nắm quyền có lẽ là thời kỳ mà tình trạng cung tần, mỹ nữ "thất nghiệp" nặng nề nhất |
Nếu mục đích của việc lập phi chỉ là sinh con nối dõi thì hoàng đế Hoằng Trị cũng không cần đoái hoài. Bởi ông đã có 2 con trai và 3 con gái với người vợ duy nhất của mình, Hiếu Thành Kính hoàng hậu (tên húy Trương thị).
Người đời có thể thấy, hoàng đế Hoằng Trị "lập dị, khó hiểu" nhưng rõ ràng rằng, cách sống của ông là cách sống "đi trước thời đại", chỉ có hạnh phúc, bình yên, không thị phi, loạn lạc.