Sau khi sửa chữa và chế tạo thành công xe bọc thép ở Campuchia, cha con Đại tướng quân hai lúa Trần Quốc Hải được đối đãi như những người hùng. Tại nước bạn, gia đình ông được cấp biệt thự, xe hơi trong những ngày lưu trú.
Sau chiếc xe đầu tiên, phía Campuchia giao tiếp 10 chiếc thiết giáp khác (loại 4 bánh và loại 8 bánh) cho cha con ông Trần Quốc Hải (56 tuổi, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) nâng cấp. Suốt 4 tháng liền, lần lượt từng chiếc một được cha con ông Hải cho ra lò. Tất cả các xe do ông Hải nâng cấp được đưa đi chạy thử nghiệm, bắn thử đạn thật… đều đạt các thông số đặt ra.
Hai cha con ông Trần Quốc Hải – Trần Quốc Thanh bên chiếc xe thiết giáp
Lập tức, Bộ Quốc phòng Campuchia gửi thư cảm ơn và công nhân ông Hải là nhà khoa học. Vui mừng chia sẻ và vô cùng biết ơn cha con ông Hải, ông Po Sa Rương – Đại tướng, Tổng tư lệnh Hoàng gia Campuchia đã nói: “Cha con ông Hải đã giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều. Từ nay, cha con ông ốm đau, bệnh tật gì, chúng tôi sẽ chăm lo hết mình. Ông Hải đã giúp Campuchia, trong đó có cá nhân tôi”, báo Lao Động đưa tin.
Ngày 13.10.2014 vừa qua, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Lữ đoàn 70, chiếc xe bọc thép đầu tiên do cha con ông Hải chế tạo theo đặt hàng của Campuchia đã hoàn thành. Một vị tướng của Campuchia, sau khi xem chiếc xe mới đã ví von như một kỳ quan “Angkor nhỏ” của Campuchia! Chiếc xe mang mã số 77 này, cùng nhiều phương tiện khí tài khác của Lữ đoàn 70 (trong đó có 11 chiếc xe BB60 và D12 do cha con ông Hải nâng cấp) đã tham gia lễ diễu hành qua khán đài, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Hun Sen, nhiều tướng lĩnh khác của Campuchia và khách mời nước ngoài.
Thủ tướng Hun sen trao Huân chương cho ông Trần Quốc Hải
Ngay trong lễ kỷ niệm này, Thủ tướng Hun Sen đã trao tặng Huân chương Đại tướng quân của Hoàng gia Campuchia cho cha con ông Trần Quốc Hải – Trần Quốc Thanh, do có những thành tích đặc biệt trong việc giúp Campuchia nâng cấp và chế tạo xe thiết giáp bọc thép.
Trò chuyện với Vietnamnet, ông Hải cho biết, lúc được trao Huân chương Đại tướng quân, ông cũng không ngờ mình và gia đình được đối đãi tử tế như thế. Huân chương do Quốc vương Norodom Sihamoni ký lệnh và Thủ tướng Hun Sen trao tặng.
“Lúc nhận huân chương tôi cũng run lắm. Cả đời mình chưa bao giờ dự một nghi lễ long trọng như vậy”. Ông kể, buổi lễ có rất đông người, rất nhiều lãnh đạo cao cấp và tướng lĩnh. Sau này ông mới biết, đó là nghi thức cấp quốc gia.
Ông Hải thật thà cho biết, số tiền đi kèm huân chương chỉ có vài ngàn USD. Tuy nhiên, sau khi phong tướng, cả gia đình ông được biệt đãi rất trịnh trọng. Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình ông hưởng đúng tiêu chuẩn cấp tướng.
Không những vậy, gia đình ông còn được cấp một xe du lịch Hyundai đời mới, 18ha vườn xoài và 1 biệt thự ngay tại TP Phnôm Pênh.
Tuy nhiên, ông Hải đã từ chối thịnh tình trên, bởi “Tôi là người VN. Tôi yêu đất nước tôi. Tôi còn có gia đình, vợ con, nhà cửa, cơ sở sản xuất ở quê nhà Tây Ninh. Việc qua Campuchia giúp bạn chỉ là nhất thời để thỏa mãn giấc mơ nghiên cứu, chế tạo cơ khí của tôi mà thôi. Tôi không muốn bị ràng buộc bất cứ điều gì. Thích thì làm, xong thì trở về nhà, nên tôi không muốn nhận các ân huệ lợi lộc để sau này, khó dứt bỏ ra đi…; mặc dù, tôi vô cùng cảm kích trước tình cảm của con người và đất nước Campuchia dành cho tôi”.
Ông Hải cùng gia đình được tiếp đón nồng nhiệt sau thành công với xe bọc thép
Cách đây khoảng 4 tháng, ông Hải đề xuất chế tạo mới hoàn toàn loại xe thiết giáp bọc thép mới, hiện đại cho Campuchia. Không chần chừ, đại tướng Mao Sophon chấp nhận ngay và chi luôn 200.000 USD cho dự án. Đích thân tướng Mao Sophon chỉ đạo và ông Hải được giao trọng trách Tổng công trình sư.
Ông Hải về VN và tìm trên mạng để lấy ra mẫu xe thiết giáp V300 do Mỹ sản xuất, thuộc dòng hiện đại nhất. Ông Hải vẽ phác thảo và gửi phía Campuchia. Sau đó, phía Campuchia yêu cầu ông Hải chính sửa kích thước, cấu trúc sao cho xe mang đặc thù của Campuchia, không là bản sao của bất kỳ xe nào khác. Xe này có tính năng phù hợp chiến trường Campuchia như: Không bị sa lầy, tầm bắn chính xác, tiết kiệm nhiên liệu, dễ luồn lách trên mọi địa hình gồ ghề, phức tạp...
Hai cha con ông Hải và những cộng sự người Campuchia, suốt 3 tháng liền làm việc hoàn toàn thủ công để tạo nên chiếc xe bọc thép đầu tiên của Campuchia. Ông Hải cho biết: “Mọi người thường cho rằng sản xuất xe bọc thép phải có nhà máy hiện đại; nhưng trong hoàn cảnh Campuchia, chúng tôi hoàn toàn làm thủ công. Mặc dù một số công đoạn uốn thép bằng thủ công không thể bo tròn, thì chúng tôi đành để nguyên góc cạnh. Có thể thẩm mỹ chưa đẹp bằng xe sản xuất trong nhà máy, nhưng xe sản xuất thủ công vẫn không vì đó mà kém cạnh tính năng. Bởi chúng đều có chung một nguyên lý. Khi hiểu nguyên lý thì làm được thôi, cho dù máy móc còn thiếu thốn”.
Nhìn vẻ ngoài rất bình dị và khiêm tốn, ít ai ngờ ông là người quả quyết, dám nghĩ dám làm và thành công. Ông nói thật với chúng tôi, tiền bạc quyền lợi không quan trọng. Cái “sướng” nhất của người làm khoa học là được thỏa mãn đam mê.
Bảo An (tổng hợp)