Theo truyền thông phương Tây, sau khi "chia tay" Mỹ, Trung Quốc đang dần tìm được đồng minh hay đối tác chiến lược mớ tại châu Âu.
Trung Quốc tìm kiếm đồng minh tại châu Âu?
Ngày 4/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây là chuyến công du Đức lần thứ hai kể từ năm 2014 của ông Tập.
Theo giới chuyên gia, trong mối quan hệ ngoại giao với các nước lớn của Trung Quốc, trong ba năm tiến hành hai chuyến thăm cấp cao tới một nước là sự kiện hiếm gặp.
Song song với ông Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng có ba lần thăm Đức, lần gần đây nhất là chuyến thăm kéo dài hai ngày (31/5-1/6) - trong bối cảnh được cho là Tổng thống Mỹ Donald Trump "lơ là" với châu Âu.
Giới truyền thông châu Âu cho rằng, động thái này chứng tỏ, Bắc Kinh mong muốn "thay thế Mỹ", đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu bắt mà đầu từ châu Âu và nhận định, mục đích chuyến thăm Đức lần này của ông Tập nhằm kêu gọi sự ủng hộ của Berlin đối với sáng kiến Vành đai và con đường.
Trả lời tờ Die Welt (Đức), Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi hai nước tăng cường quan hệ và đảm nhận trách nhiệm về hòa bình, ổn định, thịnh vượng.
Về phía Thủ tướng Merkel, trong cương lĩnh tranh cử mới đã không dùng từ "bạn bè" để miêu tả mối quan hệ với Mỹ dù bốn năm trước đây, đảng của bà đã đề cập Mỹ là "người bạn quan trọng nhất của Đức" ngoài châu Âu. Thay vào đó, Mỹ mới đây chỉ được nhắc đến là "đối tác quan trọng nhất" của Đức ngoài châu Âu.
Ngoài ra, nhận xét về hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức tại Italy hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Đức cho biết đó là "một hội nghị thiếu hiệu quả" và phàn nàn rằng, G7 khi đó diễn ra trong cục diện "6 đối 1" do một số bất đồng giữa Washington và các thành viên còn lại. Truyền thông châu Âu đã gọi hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 5 bằng cụm từ "G6+1".
Do đó, hiện nay, loạt đầu báo nổi tiếng thế giới như Bloomberg hay AP đều đăng tải những bài viết cho biết, Đức đang dần trở thành "đồng minh" hoặc "đối tác chiến lược" mới.
Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn giảm bớt hoặc xóa bỏ sự lo lắng của Berlin về sáng kiến Vành đai và con đường. Ảnh: Rueters
Vấn đề chưa ngã ngũ
Theo giới phân tích, việc nâng mức quan hệ đối tác chiến lược Trung-Đức thực sự không quá xa vời. Bởi Trung Quốc là nước xuất khẩu thương mại lớn nhất thế giới, Đức đứng thứ ba trong danh sách này. Hai nước đương nhiên cần đảm đương trách nhiệm nhất định trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.
Đại sứ Đức tại Trung Quốc Michael Clauss gần đây trả lời báo chí rằng, quan hệ Trung-Đức đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất lịch sử. Đối với Berlin, cục diện kinh tế và chính trị thế giới đang dịch chuyển về phía Đông.
Tuy nhiên, Đa chiều (Mỹ) cho rằng, việc truyền thông châu Âu đánh giá Đức là "đồng minh" của Trung Quốc là một sự khiên cưỡng.
Theo tờ này, sự liên minh Trung-Đức thực tế chỉ phản ánh ở một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, hai nước cũng cần giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại song phương, đặc biệt là những trở ngại các doanh nghiệp châu Âu, đứng đầu là Đức khi đầu tư vào Trung Quốc.
Đồng thời, Đa chiều cho rằng, về mặt chính trị và quân sự, Trung-Đức chưa có nhận thức hay lập trường chung, đặc biệt về vấn đề Triều Tiên.
Giới chuyên gia nhận định, hiện nay quá sớm để đánh việc Đức có thật sự trở thành "đồng minh" của Bắc Kinh hay không bởi hai nước vẫn tồn tại những mâu thuẫn thương mại chưa thể giải quyết, đặc biệt ngay chính bà Merkrl cũng từng chỉ trích các rào cản thương mại mà công ty Đức đang phải đối mặt tại Trung Quốc và bày tỏ lo ngại về việc nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu.