Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Sơn La, trong đó có thông tin 1 tỷ đồng cho một suất nâng điểm, trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, nếu thông tin chi 1 tỷ đồng/suất chạy nâng điểm là đúng thì đây được coi là "hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, thậm chí khả năng có cả môi giới... Thậm chí có đại biểu còn thấy "uất hận" khi đặt vào cảm xúc các thí sinh và gia đình các thí sinh có số điểm xứng đáng nhưng bị tước đi cơ hội.
"Trước khi đặt vào cảm xúc của dư luận, tôi đặt mình vào cảm xúc của những thí sinh và gia đình thí sinh có số điểm xứng đáng nhưng lại bị tước đi cơ hội thì thấy rằng không sốc. Mà chỉ là sự uất nghẹn vì thật sự họ đã rất nỗ lực, phấn đấu không chỉ một mình thí sinh mà cả gia đình cùng định hướng, nỗ lực cùng các em trong suốt quá trình học tập để hướng đến mục tiêu nhưng vì những con người có mục đích xấu trong giáo dục đã tước đi cơ hội của các em", trên Infonet dẫn lời ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho biết.
Theo ĐB Hiền, "ngân hàng câu hỏi, và phần mềm chấm thi được xem như là bí mật quốc gia nhưng vì đâu, cách làm như thế nào mà người ta bỏ đồng tiền ra mua quá sức dễ dàng như vậy? Bí mật quốc gia đâu phải mua bằng tiền, nhưng người ta đã mua được. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó, tại sao chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật này?".
"Qua sự việc này, chúng ta phải thấy được một sự thật, đồng tiền đã làm tha hóa, như là một hệ thống để rồi chúng ta phải đặt ra câu hỏi và tìm ra giải pháp. Tha hóa thực ra chỉ là cái ngọn”, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ.
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn Bến Tre) cũng cho rằng, nếu thông tin chi 1 tỷ đồng/suất chạy nâng điểm là đúng thì đây được coi là "hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, thậm chí khả năng có cả môi giới...
Hành vi này nếu đúng rất nghiêm trọng, ở mức tiền tỷ thuộc khung hình phạt rất cao, ứng với các quy định của Bộ Luật hình sự. Vì vậy, cần phải xem xét, xử lý. Hiện, thẩm quyền thuộc vào các cơ quan điều tra, viện kiểm sát.
Theo ĐB Nhưỡng, vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La đã gây ra hệ lụy là hành vi vi phạm pháp luật, do vậy, cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan.
"Không chỉ làm mất hình ảnh của các cơ quan quản lý, mất niềm tin của người dân đối với ngành giáo dục và hệ thống thi cử mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những cá nhân khác.
Điều này dẫn đến trong xã hội chúng ta, mọi thứ đồng tiền chi phối, nén bạc đâm toạc tờ giấy, thay đổi nhân cách con người. Số tiền 1 tỷ đồng mà thay đổi nhân cách thì tôi nghĩ con người không còn là con người nữa", trên Trí thức trẻ dẫn lời Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ.