Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La chấn động thời gian qua, ngày 24/5, Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình.
Các bị can trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La. Ảnh: Công an Sơn La
Trên tờ Tuổi trẻ dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, trong quá trình lấy lời khai có bị can khai, chi phí giúp rút bài sửa nâng điểm trung bình mỗi trường hợp giá là 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Sơn La cho rằng, thông tin trên là không chính xác. Đây chỉ là lời khai một phía của bị can. Các đối tượng trong vụ án này liên tục thay đổi lời khai, một số chứng cứ bị tiêu huỷ, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.
Trước thông tin tin, trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc "bồi dưỡng" tới 1 tỷ đồng chỉ là lời khai của bị can. Việc có hay không sự vụ này, ai đưa, đưa thế nào, quan hệ giữa người đưa và người nhận là vấn đề cơ quan điều tra phải làm rõ.
"Đây là một vấn đề hệ trọng, phải xác định xem lời khai có đúng sự thật không. Nếu đúng sự thật đó phải truy cho tới cùng, tránh tình trạng khai để che giấu tội trạng của mình, đẩy tội cho người khác", trên VTC News dẫn lời ông Hòa nói và cho rằng nếu lời khai đúng sự thật, hành vi này sẽ bị quy vào tội nhận hối lộ và đưa hối lộ với hình phạt được quy định rõ bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi. Nếu đúng, cần phải chế tài xử phạt rất nặng với trường hợp này.
Cũng theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, một khi giá nâng điểm lên tới 1 tỷ đồng, các sinh viên nằm trong danh sách đen sau khi ra trường có thể sẽ làm mọi cách để thu hồi số tiền này. Nếu tình trạng này không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho thế hệ sau.
Trên tờ Gia đình & Xã hội dẫn lời luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu cơ quan cảnh sát điều tra đã có kết luận các trường hợp được nâng điểm là do phải chi đến cả tỷ đồng để tác động đến người có chức vụ quyền hạn, kết quả này cho thấy ở đây có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
"Nếu xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ thì cả người sửa điểm và người nhà của thí sinh (những người đã tác động để được sửa điểm cho con, cháu mình) đều bị xử lý hình sự và mức xử lý cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, đối với phụ huynh hoặc người giám hộ của thí sinh, nếu đưa tiền, lợi ích vật chất để người có chức vụ quyền hạn sửa điểm, nâng điểm cho con, em, cháu mình thì rõ ràng đây là hành vi đưa hối lộ, hành vi này bị phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự.
Với số tiền đưa hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì người đưa hối lộ sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.