Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga tin rằng, khả năng của Không quân Nga đã được chứng minh trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria và điều này là một "cú sốc" đối với Mỹ và NATO.
"Việc bạn được thông báo trước về một chiến dịch quân sự hoàn toàn không giống với việc bạn chỉ được thấy khi chiến dịch đó đã bắt đầu. Tôi tin rằng cuộc chiến chống khủng bố và khả năng hoạt động đã được chứng minh của quân đội Nga là một cú sốc đối với Mỹ", Aleksey Pushkov, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rossiiskaya Gazeta.
"Trước đây họ thường nghĩ rằng chỉ có Mỹ và NATO mới có thể tiến hành một cuộc chiến tranh không kích quy mô lớn đến như vậy", ông nói thêm.
Các chiến đấu cơ của Nga tham gia chiến dịch không kích ở Syria đang được bảo dưỡng tại căn cứ Hmeymim, tỉnh Latakia. Ảnh: RT |
Nhà lập pháp này cũng đề cập đến quan điểm của ông về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24. Theo ông, việc Tổng thống Erdogan ra lệnh bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 là do phải chịu đựng "áp lực tâm lý" sau việc suy giảm nguồn dầu mà nhóm khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) cung cấp. Và chính những cuộc không kích của Nga đã khiến lượng dầu lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ bị suy giảm.
"Đó là một nỗ lực nhằm vào chúng ta hòng kiềm chế quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự ở Syria, nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại những gì mà họ đã dự tính", ông Pushkov nói.
Sau sự cố chiến đấu cơ Su-24 bị bắn hạ, Nga càng khẳng định quyết tâm thực hiện chiến dịch không kích khủng bố ở Syria, thể hiện qua tần suất và phạm vi không kích.
"Đầu tiên, chúng ta tăng gấp đôi cường độ các cuộc không kích tại vùng lãnh thổ giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, hành động bắn hạ Su-24 đã không mang lại hiệu quả như Anakra dự liệu, ngược lại, còn khiến họ thiệt hại hàng chục tỷ USD", Pushkov bổ sung.
Quan chức này cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và nói rằng chỉ có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được hưởng lợi từ điều này.
"Cả Mỹ và một số lực lượng châu Âu đều muốn biến Ukraine thành đối trọng chiến lược với Nga. Họ lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để tăng cường tiềm năng chiến lược cho NATO, thỏa thuận xây dựng các căn cứ phản ứng nhanh ở Ba Lan và thúc đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống tên lửa phóng thủ ở Đông Âu".
Đồng thời, Pushkov cũng cho rằng các nước châu Âu không nên lo sợ Nga hay các đồng minh của Nga.
"Thực tế, mối đe dọa vượt ngoài kiểm soát đến từ Trung Đông và Nhà nước Hồi giáo (IS). Những người ở EU đang bắt đầu hiểu ra điều này", Pushkov kết luận.
Lê Huyền (RT)