Chủ tịch tập đoàn Hòa phát đã không còn sở hữu máy bay riêng sau khi bán chiếc EC 135P2i có giá vài triệu USD cho một doanh nghiệp Hồng Kông.
Theo tin tức từ báo Người lao động, thông tin từ nhà chức trách Hàng không cho biết cho đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có duy nhất ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sở hữu máy bay riêng. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát đã không còn sở hữu máy bay cá nhân.
Chiếc trực thăng EC 135P2i của Tập đoàn Hòa Phát đã được bán cho một doanh nghiệp của Hồng Kông
Trước đó, năm 2010, ông Trần Đình Long có đăng ký sở hữu máy bay là chiếc trực thăng EC 135P2i có 6 chỗ ngồi. Đây là loại máy bay tầm thấp, không bay được vào đường hàng không mà bay phía dưới. Do đó mỗi chuyến bay đều phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
Ông Trần Đình Long đã thuê Công ty dịch vụ bay Miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC 135P2i. Giá trị máy bay của đại gia này khoảng 5 triệu USD (tính cả thuế).
Chưa hết, mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát còn phải bỏ ra 300 triệu đồng chi phí thuê phi công, khoảng vài trăm triệu đồng để thuê bến bãi và còn rất nhiều khoản chi phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa… Tổng cộng lại mỗi tháng ông Long đã mất khoảng 2 tỷ đồng để phục vụ cho chiếc máy bay này hoạt động.
Sau một thời gian sử dụng, ông Long đã bán máy bay cho Công ty VinaCopter của Hồng Kông. Kể từ sau khi bán máy bay EC 135P2i, Cục hàng không Việt Nam đã xoá đăng ký quốc tịch của chiếc máy bay này. Từ đó đến nay ông Trần Đình Long không đăng ký sở hữu máy bay riêng.
Sau khi bán chiếc EC 135P2i, ông Trần Đình Long đã dự định chuyển qua máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại, hiện đại hơn rất nhiều. Nó có tên VN-D668. Ngoài sự tiện nghi về nội thất, số ghế ngồi nhiều hơn, chiếc trực thăng này có khả năng bay xa hơn giúp ông chủ thép thực hiện chặng Hà Nội - Đà Nẵng mà không cần phải tiếp nhiên liệu. Giá tiền của nó vào khoảng 7 triệu USD.
Tuy nhiên sau nhiều cân nhắc, nhà tài phiệt này lại quyết định dừng kế hoạch. Ông cho rằng việc sở hữu máy bay riêng là quá lãng phí trong bối cảnh công việc làm ăn của mình chủ yếu diễn ra trong nước. Về phía Cục hàng không Việt Nam, họ cũng đã xóa đăng ký của trực thăng EC 135P2.
Bảo An (tổng hợp)