Ngày xét xử Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, bị dời sang ngày khác và đang có tin đồn nguyên nhân hoãn phiên toà là do ông Chu rút lại lời khai nhận tội.
Tin tức trên South China Morning Post (Hong Kong) ngày 11/5 cho biết, phiên tòa xét xử ông Chu ban đầu được định vào cuối tháng 4, nhưng đến nay vẫn chưa diễn ra.
Lý do cho sự chậm trễ của phiên tòa hiện vẫn chưa được xác định, song có suy đoán cho rằng nhiều khả năng cựu quan chức cấp cao này đã rút lại lời khai nhận tội.
Chu Vĩnh Khang được cho sẽ bị xét xử ở thành phố Thiên Tân, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 120 km, về hành vi nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia. Ở Trung Quốc, mức án cao nhất cho tội danh nhận hối lộ là tử hình, còn tội làm lộ bí mật quốc gia và lạm quyền có thể bị 7 năm tù.
Chu Vĩnh Khang, người bị bắt giữ hồi giữa năm 2013, một hổ lớn bị sa lưới trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hiện đang phải chịu hình thức kỷ luật nội bộ dành cho đảng viên Đảng Cộng sản do bị nghi ngờ tham nhũng.
Một nguồn tin của tờ báo Hong Kong này xác nhận 2 con trai của ông Chu là Chu Bân và Chu Hàn cũng đã bị bắt giữ. Cả hai đều đã chọn luật sư đại diện cho mình dưới sự cho phép của chính quyền. Ít nhất một trong hai người đã được gặp luật sư riêng tại Hồ Bắc, theo SCMP.
Nhiều khả năng phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang bị hoãn là do ông này đã rút lại lời khai nhận tội. |
Thông thường, lời khai của các quan chức đang bị điều tra sẽ được sử dụng làm bằng chứng trước tòa. Do vậy, một khả năng được đưa ra đang thu hút khá nhiều sự quan tâm là có thể Chu Vĩnh Khang đã rút lại lời thú tội của ông ta.
"Các vụ án liên quan đến quan chức cấp cao thường đi theo kế hoạch có sẵn, vì hầu hết họ đều đã nhận tội trước khi xét xử, Việc nhận tội tại tòa án sẽ không mang lại ích lợi gì", một luật sư nhiều kinh nghiệm trong các vụ án tương tự cho biết.
Nếu Chu Vĩnh Khang nhận thấy tòa án có thể phán ông ta tội tử hình, thì nhiều khả năng Chu đã rút lại lời khai nhận để lôi kéo những quan chức đã được tự do", nhà bình luận chính trị Zhang Lifan nói.
"Có thể nói thế này, việc Chu Vĩnh Khang tút lại lời khai nhằm ám chỉ đến các quan chức khác rằng 'Nếu tôi chết, các người cũng không thể có kết cục tốt đẹp".
Một nguồn tin khác cho biết, từng là người đứng đầu cơ quan pháp luật, an ninh của quốc gia, Chu Vĩnh Khang đã nắm rõ "chân tơ kẽ tóc" các hệ thống xét xử tội phạm. Nếu thủ tục tố tụng được tiến hành, ông ta hoàn toàn có lợi thế.
Hồi tháng 4, nhà chức trách đã chọn Gu Yongzhong, một giáo sư tại Đại học Khoa học và Luật pháp chính trị làm luật sư đại diện cho Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, giáo sư Gu từ chối xác nhận điều này, những người quen biết với ông cũng không hề thảo luận về tin đồn trên.
Cho đến nay, ít nhất là một chục phụ tá cao cấp của Chu Vĩnh Khang đã trở thành mục tiêu của cuộc điều tra.
Tại một phiên tòa ở tỉnh Hồ Bắc hồi tháng trước, Jiang Jiemin, cựu giám đốc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, thừa nhận tội danh nhận hối lộ, sở hữu tài sản từ nguồn gốc không xác định và lạm dụng vị trí của mình. Ngày tuyên án của ông này đã không được công bố.
Tại một phiên tòa ở tỉnh Hồ Bắc hồi tháng trước, Jiang Jiemin, cựu giám đốc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, thừa nhận tội danh nhận hối lộ, sở hữu tài sản từ nguồn gốc không xác định và lạm dụng vị trí của mình. |
Chưa đầy hai tuần sau đó, Li Chuncheng, cựu phó bí thư tỉnh Tứ Xuyên - một trong những cơ sở quyền lực của Chu - bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 3 đưa tin một “phiên tòa công khai” sẽ được tổ chức nhằm thể hiện tính minh bạch trong xét xử.
Trước đó, năm 2014, Trung Quốc thông báo bắt giữ Chu và khai trừ ông ta ra khỏi đảng. Lần cuối cùng ông này xuất hiện trước công chúng là vào tháng 10.2013.
Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu bộ máy an ninh của Trung Quốc với cương vị Chủ tịch Ủy ban Chính pháp trung ương. Ông Chu từng kinh qua các chức vụ như bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên.
Sau khi lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã triển khai một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, được biết đến với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi”.
Chu Vĩnh Khang được cho là “con hổ” lớn nhất bị điều tra tham nhũng trong tổng số hơn 100.000 quan chức bị bắt giữ tính đến thời điểm hiện tại.
Yên Yên (South China Morning Post)