Tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đã tiết lộ điều này trong khi truyền thông Trung Quốc không hề đề cập tới.
Ngày 20/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên kết thúc chuyến thăm diễn ra trong vòng hai ngày 19-20/6. Cùng ngày, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đã đăng tải 6 bài báo đưa tin cụ thể về chuyến công du của ông Kim Jong-un và sang ngày hôm sau 21/6, tờ này tiếp tục đăng tải 5 bài viết liên quan khác.
Trái với Rodong Sinmun, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã chỉ đăng tải hai bài viết về chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, với những thông tin do Rodong Sinmun công bố có thể thấy Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Triều Tiên, thông qua sự phá lệ đặc biệt trong chuyến thăm của ông Kim Jong-un.
Ông Vương Hỗ Ninh bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA
Theo đó, Bắc Kinh đã cử đại diện là ông Vương Hỗ Ninh - Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu Chính sách trung ương ĐCSTQ ra tận sân bay đón đoàn Triều Tiên và tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các sự kiện ở Trung Quốc.
Theo Rodong Sinmun, ngoài tham gia cuộc hội đàm và tiệc tối giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên, ông Vương Hỗ Ninh còn tháp tùng ông Kim Jong-un tham quan Viện cải tiến khoa học kỹ thuật nông nghiệp quốc gia, Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc và Trung tâm điều khiển giao thông thành phố Bắc Kinh.
Hai thông tin sau không được truyền thông Trung Quốc đề cập. Trong các bản tin, Trung Quốc chỉ cho hay, ông Thái Kỳ - Bí thư thành ủy Bắc Kinh tháp tùng ông Kim Jong-un tham dự các sự kiện bên lề.
Một số nguồn tin tiết lộ, trong hai chuyến thăm hồi tháng 3 và tháng 5, thực tế, ông Vương Hỗ Ninh đều là quan chức cấp cao đại diện chính phủ Trung Quốc tiếp đón ông Kim Jong-un, đồng thời tham gia các cuộc đối thoại, dạ tiệc chung. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không tiết lộ điều này mà chỉ thông báo, ông Vương cũng tham dự các sự kiện liên quan.
Theo quan sát, trong cách xử lý thông tin, Trung Quốc chú trọng vào các phát biểu và sự tương tác giữa hai lãnh đạo, trong khi Triều Tiên nhấn mạnh vào lịch trình cụ thể của lãnh đạo nên việc nhắc tới sự tháp tùng của ông Vương Hỗ Ninh cũng được nhấn mạnh trong các bản tin của Bình Nhưỡng.
Do có thân phận đặc biệt - Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị trung ương nên việc ông Vương tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong mọi hoạt động ở Bắc Kinh đã phát đi một tín hiệu: Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ truyền thống với Triều Tiên, sự đề cao này không thể so sánh với mối quan hệ bình thường giữa hai quốc gia bất kỳ khác.
Báo chí Triều Tiên cũng đặc biệt nhấn mạnh sự phá lệ này của Bắc Kinh, điều này cho thấy Bắc Kinh rất quan tâm đến "cảm xúc" của Bình Nhưỡng.
Và chứng tỏ, ông Vương Hỗ Ninh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mối quan hệ Trung-Triều, hoàn toàn phù hợp với truyền thống của ĐCSTQ - luôn có một Ủy viên thường vụ chuyên trách về vấn đề Triều Tiên - giống như các Ủy viên thường vụ BCT Lưu Vân Sơn hay Lý Trường Xuân trước đây.
Việc này đồng nghĩa rằng, quan hệ Trung-Triều vẫn là tuyến chính trong lĩnh vực ngoại giao của ĐCSTQ.
Thủy Thu
Nguồn: Soha/Thời đại