Một chuyên gia Mỹ cho rằng, vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 đã khiến vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu, đồng thời NATO cũng đã nhìn thấy “tim đen” của Tổng thống Erdogan nên mới không áp dụng nguyên tắc phòng thủ tập thể với đồng minh.
Sputnik dẫn lời nhà phân tích chính trị, sử gia người Mỹ Stephen Cohen trong một chương trình phát thanh nói rằng, thay vì thành lập liên minh với Nga để chống Nhà nước Hồi giáo (IS), thì Mỹ lại đang chĩa mũi dùi vào Nga.
Theo ông Cohen, các vụ tấn công khủng bố gần đây tại Paris cho thấy rõ rằng, cần phải thiết lập sự hợp tác giữa các nước phương Tây và Nga để chống lại IS. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, phương Tây thường nhận thức được về sự cần thiết khi nó đã quá muộn.
Washington vẫn chưa thừa nhận thực tế rằng những cuộc không kích của Nga hiệu quả hơn của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Ông Cohen lưu ý rằng, trong bài phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Obama về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã không đề cập đến thực tế rằng, chiến dịch không kích của Nga tại Syria trong hơn hai tháng đã mang lại hiệu quả vượt trội so với chiến dịch không kích của Mỹ trong hơn một năm qua.
Chiến dịch không kích của Nga ở Syria đã gây sốc cho Lầu Năm Góc. Mỹ đã không tin rằng Nga có khả năng làm như vậy. Theo ông Cohen, hiện nay Nga không chỉ bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình ở Syria, mà còn cho toàn thế giới thấy rõ rằng, nước này đã trở lại hàng ngũ.
Bình luận về quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cohen cho rằng, sự cố với máy bay Su-24 làm suy yếu vị thế của Erdogan. Đặc biệt, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không quân tại Syria, cơ hội để lật đổ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad đã giảm đáng kể.
Chuyên gia này cũng lưu ý, sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris, châu Âu bắt đầu nghiêng về phía Moscow. Trong bối cảnh đó, Erdogan đã cho rằng, nếu ông ta kích động một cuộc đối đầu với Nga, thì NATO sẽ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia Mỹ cho rằng NATO đã nhìn thấy "tim đen" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, NATO đã thấy được “tim đen” của Erdogan và thậm chí không thảo luận về khả năng áp dụng nguyên tắc “phòng thủ tập thể” trong tình huống này. Theo ông Cohen, điều này cho thấy rằng, cả Mỹ và NATO đều “khó chịu” bởi việc làm của Ankara và nhận thức được rằng, hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ là nguy hiểm đối với NATO.
Lê Huyền (Sputnik)