Trong đời sống tâm linh của người Việt, Rằm tháng Giêng hay còn có tên gọi là Tết Nguyên tiêu được biết đến là dịp Tết lớn trong năm. Trước khi tiến hành cúng Rằm tháng Giêng, các gia chủ cần dọn dẹp bàn thờ một cách tỉ mỉ và cẩn thận với tấm lòng thành kính.
Dọn dẹp bàn thờ cúng Rằm tháng Giêng
Khi dọn dẹp bàn thờ cúng Rằm tháng Giêng, các gia chủ không nên xê dịch bát hương. Trước khi lau dọn, bạn cần thắp một nén nhang xin tổ tiên về việc lau dọn bàn thờ để cúng Rằm.
Theo Nguyên viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - GS.TS Nguyễn Chí Bền chia sẻ trên Vietnamnet, đa phần các gia chủ thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm nên chỉ thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.
Các gia chủ khi tiến hành cúng cần ăn mặc chỉnh tề, khi khấn cần thành tâm.
Cúng Rằm tháng Giêng vào giờ nào tốt nhất?
Rằm tháng Giêng năm nay vào thứ 3 (15/1) âm lịch. Theo quan niệm, việc cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14, 15 âm lịch đều hợp lý và thời gian cúng có thể bắt đầu từ 9h sáng và trước 19h tối ngày 15.
Hiện nay, quan niệm về ngày giờ cúng Rằm tháng Giêng vốn đã được cởi mở hơn, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của người cúng, không cần quá câu nệ.
Tùy theo điều kiện gia đình và công việc mà có thể cúng Rằm sớm hơn. Năm nay ngày 13 âm lịch trùng với chủ nhật, ngày nghỉ, nhiều gia đình chọn cúng Rằm vào ngày này cũng hợp lý.
Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (từ 11h đến 13h).
Theo quan niệm của người xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào chính Rằm, giờ Ngọ là khung giờ Thần, Phật sẽ giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của các gia chủ.
Vào ngày lễ cúng Rằm tháng Giêng, tuỳ từng điều kiện gia đình cũng như phong tục vuunfg miền mà mỗi gia đình có một mâm cỗ khác nhau, ngoài đồ lễ như hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu thì các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn để cúng gia tiên.
** Bài viết mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm.