ISIS đã bị “tiền bối” Al Qaeda chỉ trích vì hành động chặt đầu man rợ, một chiến binh của IS cũng vô tình tiết lộ địa điểm cư trú bí mật của nhóm thông qua tài khoản Twitter… và còn rất nhiều câu chuyện hy hữu khác về lực lượng khủng bố khét tiếng này.
Chiến binh IS tiết lộ địa điểm của tổ chức qua Twitter
Một người đàn ông New Zealand được cho là đã gia nhập tổ chức khủng bố ISIS ở Iraq và Syria đã vô tình tiết lộ vị trí chính xác của tổ chức khi đăng tải một dòng tweet trên trang mạng xã hội Twitter. Abu Abdul-Rahman, còn gọi là Mark Taylor, rời New Zealand để tham gia vào ISIS từ tháng 5/2012. Ngay sau đó, thông qua Twitter, Abu cho biết nhiệm vụ tới Syria của mình là một “chuyến đi một chiều” và đăng kèm một bức ảnh anh ta đốt hộ chiếu của mình.
Taylor đã xóa 45 đoạn chia sẻ trên mạng xã hội sau khi biết được rằng các dòng tweet đó đều tự động gắn kèm địa điểm chính xác. Jeff Wyers, nhà nghiên cứu an ninh, trưởng nhóm tình báo Brado, đã sử dụng thông tin định vị đó để xác định chính xác ngôi nhà ở thị trấn al-Taqbah của Syria mà Abu đang cư ngụ.
Al Qaeda “lên án” IS là man rợ
Tổ chức khủng bố chịu trách nhiệm cho 3.000 cái chết trong vụ tấn công 11/9 tại Mỹ đã lên tiếng chỉ trích “đồng nghiệp” ISIS là quá “dã man” khi liên tục công khai những đoạn video hành quyết các con tin.
Tháng 12/2014, một chỉ huy cấp cao của tổ chức al Qaeda ở Yemen đã gọi hành động chặt đầu con tin của IS là một “tội ác man rợ”. Những lời bình luận trên là của Nasr bin Ali al-Ansi, trong một video trả lời phỏng vấn được đăng trên tài khoản Twitter của nhóm. Video này được cho là ghi hình sau khi IS chặt đầu hai con tin người Mỹ và người Nam Phi. Cả hai nhóm khủng bố nói trên đều thực hiện các hành động tra tấn tù nhân như “cơm bữa” nhưng dường như chặt đầu đã trở thành “thương hiệu” của IS.
Trùm ma túy Lebanon muốn tham gia cuộc chiến chống IS
Với những mâu thuẫn chồng chéo ở Trung Đông, rất khó để phân biệt lực lượng nào đang chiến đấu chống lại lực lượng nào và kẻ thù chính là những ai. Một trường hợp đặc biệt phải kể đến là Ali Nasri Shamas, sống ở thung lũng Bekaa, Lebanon.
Shamas điều hành một nhà máy thuốc lá hasit nhỏ ở làng Bouday. Việc thu hoạch nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá vốn là nguồn thu nhập lớn cho cộng đồng dân cư ở thung lũng Bekaa, gần biên giới Syria. Shamas là đối tượng truy nã trong suốt 35 năm. Năm 2007, chính phủ thậm chí đã gửi quân đội đến để tiêu diệt các nhà máy sản xuất ma túy từ cây gai dầu ở Bouday. Khi đó, Shamas và 50 người đàn ông khác đã trang bị vũ khí để bảo vệ cơ sở làm ăn của mình.
Khi tổ chức khủng bố IS ngày càng phát triển mạnh, Shamas nhận ra rằng quân đội Lebanon và mình có chung một kẻ thù, bởi vì ISIS cũng nhắm tới các cánh đồng ma túy ở Syria. Trong khi đó, nhà máy của Shamas chỉ cách biên giới Syria 30 phút. Rất nhiều người lo sợ quân khủng bố sẽ tràn vào thung lũng nhưng Shamas cho biết ông luôn sẵn sàng để chiến đấu lại lực lượng này.
Kho vũ khí của trùm ma túy này bao gồm súng máy, súng cối và lựu đạn, rocket, vốn được trang bị để chống lại quân đội Lebanon và giờ đây cũng là để đối phó với quân khủng bố. Có thể ở thời điểm hiện tại, mũi súng của trùm ma túy và quân đội chính phủ cùng chĩa về phía lực lượng khủng bố, tuy nhiên, ma túy vẫn là phạm pháp, vì vậy, việc hai lực lượng này lại quay ra “đấu đá” với nhau chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Phi công Iraq thả nhầm lương thực cho khủng bố
Vào tháng 9/2014, các thành viên của tổ chức khủng bố IS đã nhận được một món quà “không ngờ” từ quân đội Iraq, đó là lương thực, nước uống và cả đạn dược.
Ngay sau đó, một cuộc điều tra đã được mở ra để tìm hiểu nguyên nhân tại sao các phi công Iraq, những người đang chiến đấu chống lại quân khủng bố, lại thả nhầm địa điểm ở tỉnh Anbar. Truyền thông Iraq cho biết, không quân nước này đã cố thả lương thực và đạn dược cho binh lính Iraq bị quân khủng bố vây hãm tuy nhiên đã xảy ra nhầm lẫn.
“Những binh lính này thực sự rất cần được tiếp tế nhưng do một kế hoạch sai lầm của chỉ huy cùng sự thiếu kinh nghiệm của các phi công đã dẫn đến sự việc hy hữu này”, Hakim Al-Zamili, thành viên quốc hội Iraq cho biết.
Chính phủ Mỹ chọc phá IS qua tài khoản Twitter
Một tài khoản Twitter của lực lượng khủng bố với tên gọi “State of Islam” đã đăng tải một dòng tin nhắn cho 1.226 người theo đuôi với nội dung: “IS là vị cứu tinh duy nhất của lực lượng hồi giáo Sunni chống lại những kẻ hung bạo là quân đội Iraq và Syria”, kèm theo đó là 3 bức ảnh tuyên truyền cho thấy các tội ác chống lại người Sunni.
Khoảng 16 tiếng sau đó, một nhóm nhân viên chính phủ Mỹ đã đáp trả lại dòng tweet trên bằng thông điệp: “Bức ảnh ở giữa là lấy từ một trang web đen của Hungary. Hãy thôi dùng những bức ảnh giả mạo để lừa dối mọi người đi”.
Các nhân viên chính phủ Mỹ với tài khoản “Think Again Turn Away” đã đối đáp trực tiếp với các phần tử khủng bố IS, vạch trần những chiến dịch tuyển quân trực tuyến của lực lượng này. Chiến lược của họ là: “Thông điệp rất đơn giản: Những người này đang nói dối các bạn, và nếu bạn tới Syria để chống lại các lực lượng phương Tây thì kết cục chính các bạn là người giết những công dân Hồi giáo vô tội”.
Cô gái mang tên Isis cố gắng thay đổi tên gọi của lực lượng khủng bố
Bạn sẽ làm gì nếu có tên trùng với một tổ chức khủng bố tàn bạo, chuyên chặt đầu các nhà báo quốc tế? Một người phụ nữ Miami đã quyết định tiến hành một “cuộc chiến” trên mạng. Isis Martinez, 38 tuổi, sống tại Miami, Mỹ, đã đệ đơn kiện yêu cầu truyền thông ngừng sử dụng cụm từ viết tắt ISIS khi nhắc đến tổ chức khủng bố này.
Martinez, được đặt tên theo người mẹ của mình với ý nghĩa là chúa trời theo tiếng Ai Cập, cho biết, cô đã rất tức giận trước những phản ứng tiêu cực khi tên của cô được nêu ra. Thêm vào đó, cụm từ ISIS trên thực tế không chính xác. “Cụm viết tắt ISIL đã được chính phủ Mỹ và cả AP xác nhận là chính xác nhất khi nhắc tến tổ chức khủng bố này nhưng bây giờ tất cả đều dùng từ ISIS”, Martinez viết trên Facebook.
Khi được hỏi liệu cô có cân nhắc đến việc đổi tên hay sử dụng tên đệm của mình hay không thì Martinez khẳng định mình vẫn dùng tên Isis. “Nếu tôi làm vậy thì có nghĩa là những kẻ khủng bố kia đã chiến thắng”, cô nói.
Ba thiếu nữ Colorado trốn nhà gia nhập IS
Ba cô gái tuổi teen đến từ Denver, Colorado, Mỹ đã cố gắng gia nhập tổ chức khủng bố IS tại Syria khi lấy trộm tiền của bố mẹ và bay tới Đức. Các cô gái này gồm có hai chị em, 17 và 15 tuổi, cùng một người bạn 16 tuổi, được báo là mất tích sau khi rời khỏi trường học, tuy nhiên, gia đình không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào về việc họ đi đâu.
Cuối cùng, các cô gái này đã bị các nhân viên FBI chặn lại tại sân bay Frankfurt, Đức và buộc quay trở lại Colorado với gia đình. Hai chị em nói trên mang dòng máu Somali, còn người bạn của họ là người gốc Sudan. Một trong ba cô gái cho biết họ đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia huấn luyện.
Tuệ Minh (tổng hợp)