Hết xây dựng mẹ chồng tai quái, các bà mẹ vợ trong phim Việt cũng được xây dựng quá lố khiến khán giả chùn chân khi nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Sau “Sống chung với mẹ chồng”, các bộ phim “Cả một đời ân oán”, “Gạo nếp gạo tẻ” là những bộ phim lấy đề tài gia đình nối tiếp lên sóng.
Tuy nhiên, thay vì khai thác các yếu tố chân thật, giản đơn thể hiện tình cảm gia đình, phim Việt lại sa đà vào các tình tiết cực đoan khi xây dựng hình tượng các bà mẹ chồng mẹ vợ theo kiểu chẳng giống ai.
Bà Phương của Sống chung với mẹ chồng và những câu thoại kinh điển.
Bắt đầu từ cơn sốt “Sống chung với mẹ chồng”, nhân vật bà Phương gây bão bởi những câu khẩu quyết khó nghe, nhẫn tâm mà không phải ai cũng dám nói: “Vợ cũng chỉ là một đứa con gái xa lạ ở tận đẩu tận đâu về. Không lấy đứa này thì lấy đứa khác!”.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu nói gây tranh cãi, một thời gian dài khi bộ phim lên sóng.
Tiếp sau đó, bộ phim Cả một đời ân oán dựa trên nội dung kịch bản Cô dâu bạc triệu nổi tiếng của Đài Loan cũng gây nên nhiều ý kiến trái chiều.
Nhân vật bà Lan được xây dựng là người chủ gia đình nhưng lại trực tiếp đẩy cả ba đứa con trai vào cảnh vợ chồng ly tán chỉ vì tính cách độc đoán.
Đi qua hai phần với thời lượng hơn 50 tập, khán giả vẫn phải đặt ra câu hỏi: Không biết bao giờ bà Lan mới thôi thù ghét các cô con dâu.
Hình ảnh bà Lan của Cả một đời ân oán gắn với gương mặt khó chịu.
Ngay cả khi cô con dâu là Dung đã ly hôn với Đăng suốt 20 năm, khi tình cờ gặp lại, việc đầu tiên bà Lan làm vẫn là nhiếc móc, xúc phạm cô con dâu này thậm tệ.
Chỉ một lần lỡ lấy nhầm chồng của Dung mà bị bi kịch trở thành khắc tinh của Vũ gia đeo đẳng suốt cả cuộc đời, bảo sao khán giả không ngán ngẩm mà bỏ theo dõi.
Đến tình tiết gần đây nhất khi bà Lan mờ mắt nhận nhầm cháu mà không cần thử ADN, nhưng lại nhất quyết cấm cho con trai quay lại cô con dâu vô sinh, không cho nhận con nuôi vì "khác máu tanh lòng" lại càng khiến nhân vật này trở nên khó hiểu trong mắt người xem: “Gia tộc Vũ Gia đến lúc này vẫn nguyên huyết thống mà cũng loạn hết cả rồi còn gì? Thôi tạo nghiệp đi bà Lan ơi…”.
Bà Mai trong Gạo nếp gạo tẻ hành từ con ruột đến con rể.
Cơn bão hạ bệ hình tượng các bà mẹ tiếp tục lấn sân sang cả nhà các bà mẹ vợ qua hình tượng bà Mai trong Gạo nếp gạo tẻ.
Dù xuất thân là một giáo viên đã về hưu, những hành động của thiếu nhân văn của bà Mai luôn khiến người xem ám ảnh. Hành hạ từ con đẻ đến con rể chưa đủ, bà còn hành cả ông thông gia chỉ vì gia cảnh thấp kém hơn so với nhà mình.
Thử hỏi trên đời có bà mẹ nào hám tiền đến mức chỉ mong con mình ly hôn như bà Mai?
Tình tiết bà lấy lý do thương cô con gái hoa hậu của mình mà khuyên con rể bỏ vợ chính là một trong những lời thoại gây tranh cãi nhất của Gạo nếp gạo tẻ những ngày gần đây: “Nếu cậu thực sự thương nó thì hãy buông tha cho nó, để nó đi kiếm hạnh phúc mới. Cậu có thể coi tôi là bà mẹ vợ độc ác nhưng thật lòng đó, ly dị con gái tôi đi”.
Hôn nhân trong phim Việt chẳng mấy khi bình yên bởi các ông bố bà mẹ tai quái.
Hình ảnh ông bố của Kiệt lếch thếch lên thành phố thăm con cháu nhưng lại bị bà Mai đuổi về, còn không được vào nhà uống cốc nước khiến nhiều khán giả ngán ngẩm: “Người tốt như Kiệt mà kết hôn còn chẳng ra sao, còn khổ cả người nhà mình. Ở vậy cho nhanh”.
Không thể phủ nhận những nhân vật bà mẹ chồng mẹ vợ được xây dựng đầy kịch tính trên phim sẽ giúp tạo nên hiệu ứng cao trào, khiến khán giả chú ý hơn.
Nhưng “cố quá thành quá cố” nếu các câu chuyện và tình huống cực đoan phản nhân văn, phản giáo dục được lồng ghép vào những bộ phim gia đình một cách tràn lan, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và quan điểm của giới trẻ.