Sự ra đời của CX-3 và CX-30 đã khỏa lấp đi chỗ trống mà nhà Mazda bỏ quên suốt một thời gian dài. Trong khi các đối thủ khác thì không bỏ qua cơ hội và khai thác rất tốt phân khúc này. Cả 2 đều là những mẫu crossover cỡ nhỏ, và đều được nhập khẩu Thái Lan chưa chưa được trực tiếp lắp ráp trong nước.
Thị trường Việt, dòng xe crossover phổ thông giá dưới 1 tỷ đồng đã có rất nhiều tên tuổi đáng chú ý và gây được tiếng vang lớn. Nhưng mãi cho đến nay Mazda mới chen chân vào, mang đến cho người tiêu dùng thêm những lựa chọn ấn tượng.
Cụ thể, Mazda phân phối CX-3 định vị là một chiếc crossover cỡ B, với 3 phiên bản Deluxe, Luxury và Premium, giá bán lần lượt là 629, 669 và 709 triệu đồng. Xe sẽ cạnh tranh với các đối thủ như KIA Seltos (609-729 triệu đồng), Hyundai Kona (636-750 triệu đồng), Honda HR-V, Ford EcoSport (603-686 triệu đồng), MG ZS, Peugeot 2008 (739-829 triệu đồng) tại Việt Nam.
Trong khi đó, CX-30 được cải tiến từ mẫu sedan Mazda 3, nằm trong phân khúc crossover cỡ C. Hãng mang tới 2 tùy chọn Luxury và Premium, giá bán lần lượt 839 và 899 triệu đồng. Mức giá này cao hơn so với Kia Seltos nên sự so sánh sẽ không thực sự xứng tầm. Đối thủ chính của Mazda CX-30 sẽ là 2 cái tên cũng đến từ Nhật Bản Toyota Corolla Cross (720-910 triệu đồng), Honda HR-V (786-871 triệu đồng).
Nếu nhìn vào giá bán, có thể thấy mức giá chênh lệch của Mazda với mặt bằng chung các đối thủ khác không quá nhiều. Thực tế là phiên bản CX-30 Premium chỉ rẻ hơn 10 triệu so với bản cao cấp hybrid của các đối thủ khác. Do vậy, thời gian tới sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khá khốc liệt trong phân khúc.
Theo nguồn tin từ THACO, hãng lựa chọn nhập khẩu Thái nhằm thăm dò nhu cầu người dùng trong phân khúc xe gầm cao khoảng 600-800 triệu đồng. Như đã biết, thị trường ở phân khúc này khá chật chội, đồng nghĩa những cái tên mới xuất hiện sẽ không có nhiều lợi thế rõ ràng. Mazda kỳ vọng thương hiệu của mình sẽ từng bước thu hút khách hàng, sau đó họ mới tính đến chuyện lắp ráp số lượng lớn tại Việt Nam.