Khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, hơn 3.000 trẻ em đã được không vận tới Mỹ để cho làm con nuôi của những gia đình nước ngoài trong "Chiến dịch Babylift". Trong số những đứa trẻ này có Leigh Mai Boughton Small, con gái của một người giúp việc Việt Nam với một lính Mỹ. Cô bé đã được một gia đình trung lưu ở New England nhận làm con nuôi.
Leigh Mai và mẹ ruột của mình có thể đã dành phần còn lại của cuộc đời để tự thắc mắc về người kia, thế nhưng cả hai đã quyết tâm tìm được nhau. Sau nhiều năm cố gắng, Leigh Mai giờ đã 47 tuổi đã gặp được mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thi Đẹp vào ngày 17/11 tại TP.HCM. Cuộc đoàn tụ đã được hãng Reuters độc quyền ghi lại.
Cuộc gặp gỡ bắt đầu với những cái ôm vụng về. Bà Đẹp giờ đã 70 tuổi sợ con gái sẽ thất vọng về mình. Từ một người mẹ trẻ xinh đẹp, bà giờ đây là một phụ nữ "già nua, xanh xao, xấu xí và gầy gò". Leigh Mai đi cùng với chồng là ông Jeff và 3 đứa con. Giờ đây, cô không có chút oán giận nào khi đã bị mẹ bỏ rơi.
Trong cuộc đoàn viên ấy, Leigh Mai đã tặng cho mẹ một mặt dây chuyền và cuốn sổ lưu niệm thời thơ ấu của cô. Bà Dep đưa cho cháu ngoại những phong bao lì xì đỏ truyền thống. Họ ôm nhau, cùng khóc rồi cùng cười.
Điều khiến Leigh Mai hạnh phúc nhất là cô nhận ra mình không chỉ tìm lại được mẹ mà còn là một gia đình Việt Nam nơi có tình yêu, có cô, dì, chú, bác và những thứ chưa từng xuất hiện trong đầu cô.
Cô cũng không thể hiểu được sự khó khăn của bà Đẹp trong những năm tháng qua, khi bà phải đưa ra quyết định để con gái ra nước ngoài mà không biết tương lai ra sao.
Cuộc tháo chạy hỗn loạn năm 1975
Tháng 4/1975, quân giải phóng tiến vào miền Nam, quân đội Mỹ tháo chạy. Cuộc di tản của binh sĩ Mỹ và hàng chục ngàn người Việt Nam được tiến hành.
Bà Đẹp khi đó từng là người giúp việc, rồi làm nhân viên trực điện thoại tại một doanh trại của quân đội Mỹ ở Sài Gòn. Tại đây, bà gặp bố của Leigh Mai, ông Joe O'Neal.
Bà Đẹp mất liên lạc với O'Neal khi ông về nước không lâu sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký vào tháng 1/1973. Cô con gái nhỏ, được mẹ đặt tên là Phương Mai khi đó đã được gần 1 tuổi. Bà Dẹp viết một lá thư dài gửi cho O'Neal nhưng bị trả lại. Sau này bà mới biết được người đàn ông ấy đã kết hôn và có một gia đình ở Nam Carolina.
Những người bạn Mỹ và Việt Nam của bà Đẹp khuyên bà đưa con gái lên một chuyến bay của Chiến dịch Babylift. "Tôi đã rất hoảng loạn và quyết định gửi Mai đi. Từ khi tôi nộp giấy tờ cho tới khi máy bay đưa con bé đi chỉ mất một tuần", bà Đẹp nói.
Rất nhiều đứa trẻ trong Chiến dịch Babylift là trẻ mồ côi, chúng được gửi đến những ngôi nhà mới. Những đứa trẻ khác được gửi ra nước ngoài với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, hoặc chúng có thể được đoàn tụ với bố mẹ sau khi hỗn loạn qua đi. Nhưng mãi đến năm 1995 Việt Nam và Mỹ mới bình thường hóa quan hệ, hy vọng đoàn tụ gia đình của những đứa trẻ ra đi trong chiến dịch bị dập tắt.
Lần cuối cùng bà Đẹp nhìn thấy con gái tại một trại trẻ mồ côi khi đang chờ chuyến bay. Khi ấy, bà Dep nói với con gái là đi rửa mặt và định bỏ đi từ cửa sau. "Nhưng lúc ấy, bản năng đã mách bảo con bé. Con bé hét lên "Mẹ ơi đừng đi". Thành thật mà nói, ngay lúc đó tất cả những gì otoi muốn là quay lại, đưa con bé về nhà", bà Đẹp chia sẻ. Thế nhưng, bà đã đi bộ từ sân bay đến trung tâm thành phố, nói với sếp rằng bà để cô bé đi.
Bà Đẹp nghĩ về những gì mình đã làm cho đến khi cảm thấy đầu nổ tung. Trong nhiều tháng, đêm nào bà cũng khóc. Bố bà không nói chuyện với con gái trong 2 tháng. Người phụ nữ này dã phải làm đủ loại công việc để kiếm sống, cuộc sống đưa đẩy bà đi khắp nơi.
Nhưng bà Đẹp không bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy Leigh Mai. Bà liên lạc với nhiều người trung gian trong nhiều năm, thậm chí còn viết thư cho cố Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Kennedy, người từng chủ trì một phiên điều trần của Thượng viện về Chến dịch Babylift năm 1975. Thế nhưng lá thư ấy đã không được hồi âm.
Cuộc sống tốt đẹp
Từ nhỏ, Leigh Mai biết mình là con nuôi và là con lai Việt nhưng không có chút ký ức nào về bố mẹ. Những đứa trẻ của chiến dịch Babylift có rất ít hoặc không có chút thông tin gì. Cô tận hưởng cuộc sống mà bà Đẹp đã hy vọng con gái có được khi sống trong một gia đình trung lưu ở New England cùng một chị gái và anh trai, cũng được nhận nuôi.
"Tôi có một cuộc sống gia đình tuyệt vời vì vậy tôi trải qua một thời niên thiếu bình thường, không thực sự nghĩ ngợ về quốc tịch của mình", cô nói. Đôi lúc cô cũng nghĩ về mẹ ruột nhưng phải đến năm 27 tuổi, tức là vào năm 2000, cô mới nghĩ đến việc tìm kiếm bà ấy. Khi đó, cô vừa mới kết hôn và biết mình muốn có con.
Leigh Mai và mẹ nuôi của cô, Mary Beth Boughton đã đến Việt Nam và bắt đầu tìm kiếm. Họ chỉ có manh mối là tên tiếng Việt của Leigh Mai, thị trấn nơi cô sinh và trại trẻ mồ côi cô ở lại trước khi được không vận.
Thế nhưng cuốn sổ cái liệt kê những người ở trại mồ côi Thủ Đức lại chỉ ghi chép từ tháng 5/1975, tức là 1 tháng sau Chiến dịch Babylift. Như vậy, mọi thứ đã bị phá hủy tại thời điểm đó.
Leigh Mai từ bỏ và nhiều năm trôi qua. Nhưng sau đó, các trang web DNA có sẵn giúp mọi người phát hiện ra thân thế, những liên kết gia đình bắt đầu xuất hiện. Khoảng 4 năm trước, Leigh Mai đưa mẫu DNA của mình lên trang ancestry.com, thỉnh thoảng cô nhận được một kết nối tới "anh em họ đời thứ 5".
Sau đó, vào tháng 9/2019, Leigh nhận được một email từ ancestry.com, thông báo về mối liên kết với "anh chị em ruột/anh chị em họ đời thứ nhất". Một lá thư khác thì nói: "Tôi nghĩ bạn là chị tôi. Người mẹ Việt Nam của bạn đang tìm kiếm bạn".
Trong một cuộc trò chuyện qua tin nhắn với người phụ nữ tên Bonnie Ludlow, Leigh Mai biết họ cùng cha, khác mẹ. Sau đó, cô được một người đàn ông Việt Nam tên Vu Le giúp đỡ. Người này từng đọc một bài báo về cuộc tìm con của bà Đẹp. Ông Vu đọc được cáo phó của Joe O’Neal và tên của Bonnie. Sau đó, ông dõi theo Bonnie, nói với cô về người chị cùng cha khác mẹ mà cô chưa từng gặp.
Đoàn tụ
Đối với bà Dep, Leigh Mai mãi là một đứa trẻ 3 tuổi. "Gặp con bé khi đã là một người phụ nữ trưởng thành có gia đình, nó không giống cảm xúc như khi tôi nhìn ảnh con bé lúc nhỏ", bà chia sẻ sau cuộc đoàn tụ. Nhưng cuộc gặp đã khiến bà nhẹ nhõm bởi bà biết được về cuộc sống của con gái ở Mỹ.
"Tôi yêu con bé rất nhiều và cảm thấy thoải mái khi Mai giờ đã lớn, có gia đình riêng, có thể tự chăm sóc bản thân, trái ngược với trước đây khi chỉ có những câu hỏi như : Con bé còn sống không? Nếu còn thì cuộc sống của con bé giờ ra sao? Tôi đã lo lắng con bé gặp khó khăn".
Leigh Mai đã ghĩ về việc đưa mẹ ruột sang Mỹ sống nhưng bà Đẹp thích cuộc sống giản dị ở Thủ Đức. Ngày ngày, bà vẫn đạp xe tới trường làm công việc gác cổng quen thuộc.
Hai mẹ con họ giờ vẫn mỗi người một nơi nhưng với công nghệ, Leigh Mai nghĩ họ có thể giữ liên lạc. "Tôi muốn mẹ vẫn có thể sống cùng chúng tôi qua những video và những khoảnh khắc quan trọng mà bọn trẻ trải qua trong đời".