Cứ nói đến cách cách, người ta sẽ nghĩ đến những cô nương xinh đẹp sống trong cảnh giàu có, cuộc đời an yên. Nhưng mà bạn hãy đọc câu chuyện đời của những cô gái dưới đây để thấy rằng đôi khi, là quý nữ hoàng thất nhưng cuộc đời cũng chứa đầu nỗi buồn, trắc trở.
Cách cách là từ dùng để chỉ tước vị được ban cho nữ nhi trong tôn thất của tộc Mãn Châu dưới triều đại nhà Thanh. Thường thì những cách cách sẽ là con gái dòng đích (con vợ cả) của thân vương, quận vương. Sinh ra đã là lá ngọc cành vàng nên cuộc sống của những nàng cách cách thường sẽ trôi qua trong êm đềm, Bình An.
Thế nhưng trong lịch sử cũng không hề thiếu bóng dáng các nàng cách cách dù xinh đẹp mỹ miều, sinh ra trong phú quý nhưng lại có số phận kỳ lạ, nhất là những ai sinh ra vào thời kỳ cuối của triều đại nhà Thanh khi đất nước Trung Quốc rơi vào nhiều rối ren.
Cách cách làm gián điệp cho quân đội Nhật Bản
Nàng tên là Ái Tân Giác La Hiển Dư, ái nữ thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ, sinh ra vào những năm tháng cuối cùng của triều đại nhà Thanh. Từ nhỏ, nàng đã tỏ ra là một cô bé thông minh, ham học hỏi, nhanh nhẹn nên được phụ thân rất mực yêu quý.
Phụ thân nàng là một người luôn canh cánh trong lòng ước mơ khôi phục lại thời kỳ vàng son của triều đình nhà Thanh nên ông đã gửi hết con cái sang nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để tìm kiếm các thế lực có thể giúp đỡ khôi phục quyền lực của triều đình và hoàng tộc. Cô bé Hiển Dư cũng không phải ngoại lệ, năm lên 6 tuổi, cô bé được cha gửi sang Nhật Bản tá túc tại nhà một người bạn của ông.
Hiển Dư cách cách ngày còn nhỏ.
Từ khi sang đây, cô bé Hiển Dư được tiếp xúc ngày càng nhiều với tinh thần võ sĩ đạo, chủ nghĩa phát xít và các suy nghĩ nhuốm màu bạo lực… từ chính người cha nuôi của mình. Vì thế cho nên từ một cô bé dịu hiền tuân thủ quy tắc lễ nghĩa, nàng trở thành ngang ngược, ương bướng và hoang dại.
Trong khi đó, cha nuôi của nàng chẳng những không ngăn cản mà còn để nàng tự do thể hiện tính ngang ngược, hoang dã. Sau một loạt biến cố, cô bé Hiển Dư nữ tính năm nào đã cắt tóc ngắn và bỏ hẳn trang phục nữ, chuyển sang mặc đồ tây như nam giới. Trải qua một cuộc hôn nhân chính trị kéo dài 2 năm, nàng trở về Thượng Hải và bắt đầu thực hiện di nguyện của người cha đã qua đời trước đó.
Nàng cách cách bắt đầu mặc nam phục.
Tuy nhiên, Hiển Dư không hề biết rằng việc nàng phối hợp với quân đội Nhật Bản lại chẳng hề giúp gì cho đất nước quê hương mà lại đang giúp cho quân đội Nhật ngày càng bành trướng và phát triển mạnh mẽ. Dần dần, nàng lún sâu vào con đường làm gián điệp cho Nhật Bản, bị lợi dụng mà nào có mảy may nhận thức. Vì thế, nên đối với người dân Trung Quốc lúc bấy giờ, nàng chẳng khác gì một kẻ bán nước.
Sau này khi quân đội Nhật thất thế, Hiển Dư cũng bị bắt và nhanh chóng bị kết án tử hình với tội danh phản quốc. Khi đó, nàng chỉ mới 41 tuổi.
Ái Tân Giác La Hiển Dư ra đi khi mới 41 tuổi.
Cách cách dành cả đời ôm ấp mối tình đơn phương với hoàng đế
Nữ nhi này được mệnh danh là cách cách xinh đẹp nhất hoàng triều nhà Thanh. Mang tên Vương Mẫn Đồng, hay trong tiếng Mãn thì là Hoàn Nhan Lập Đồng Kí, nàng sinh ra là cháu của hoàng đế Càn Long nổi tiếng.
Cách cách Vương Mẫn Đồng là cháu gái của Càn Long hoàng đế.
Nàng không may mắn sinh ra và lớn lên trong thời kỳ phong kiến suy tàn nên chứng kiến nhiều cảnh đất nước rơi vào vòng xoáy loạn lạc, người người ly tán, nhà nhà tha hương. Thế nên dù sở hữu nhan sắc trời phú với làn da trắng mịn và khuôn mặt thon thả, nàng cũng không có một cuộc đời viên mãn mà phải chịu cảnh thăng trầm của thời đại.
Nàng lớn lên sở hữu nhan sắc thanh tú, dịu dàng.
Sau khi nhà Thanh lụi tàn, cách cách chuyển về sống ở một ngôi nhà nhỏ. Lúc này, nàng rơi vào cảnh nghèo khó do không còn người thân ở bên, không tài sản, tiền bạc mà lại đã có tuổi. Do đó, nàng đành bán đồ cũ và nhận làm thuê một số công việc lặt vặt để mưu sinh. Khi về già, nàng mắc bệnh đãng trí nên hoàn cảnh đã cơ cực nay lại còn túng quẫn hơn. Thế nhưng nhờ có tấm lòng chân thành nên nàng cách cách danh giá cũng được hàng xóm chăm sóc cho đến tận khi qua đời.
Cuộc đời nàng chịu nhiều khổ cực, đắng cay.
Người ta đồn nhau rằng thuở trước, cô thiếu nữ Mẫn Đồng đã phải lòng vua Phổ Nghi sau một lần nhìn thấy long nhan chốn cung cấm. Thế rồi nàng tha thiết muốn nhập cung và trở thành phi tần để sớm chiều bầu bạn với tình lang. Nhưng mà đau xót thay, nhà vua lại không hề thích mẫu phụ nữ tề gia nội trợ nên chẳng mảy may để ý tới nàng và cứ tìm cách tránh mặt nàng mãi.
Còn về phần nàng, vì cứ mãi ôm tấm lòng si tình với hoàng đế nên đã liên tiếp từ chối 4 cuộc mai mối "môn đăng hộ đối" mà phụ mẫu tìm cho, để rồi cứ như vậy mà sống trong cô đơn cho đến ngày ra đi vào năm 2003.
Thế nhưng trong lòng nàng mãi ôm mối tình với hoàng đế Phổ Nghi cho đến khi qua đời.
Cách cách sau này trở thành vị hoàng hậu phong kiến cuối cùng
Ít ai biết rằng vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Thanh - Uyển Dung hoàng hậu cũng là một cách cách có xuất thân cao quý, gia tộc hiển hách. Nàng sinh ra trong gia tộc Quách Bố La và có cha là đại thần, nắm quyền lực to lớn trong triều đình lúc bấy giờ. Tuy mất mẹ nhưng cô bé Uyển Dung vẫn được sống trong sự bao bọc, sủng ái của phụ thân và kế mẫu.
Từ nhỏ, Uyển Dung đã được đào tạo đầy đủ về cả lễ nghi, phép tắc truyền thống lẫn những kiến thức văn hóa phương Tây như âm nhạc, hội họa, văn học. Do đó, đến tuổi trưởng thành nàng là một "ứng cử viên" sáng giá cho vị trị hoàng hậu của hoàng đế Phổ Nghi và cuối cùng cũng đã ngồi lên ngôi vị này vào năm 1922.
Uyển Dung trở thành hoàng hậu của vua Phổ Nghi.
Khác với những vị hoàng hậu đời trước, Uyển Dung phải chịu cảnh lưu lạc, ly tán do thời kỳ bấy giờ, đất nước Trung Quốc vô cùng loạn lạc. Bà đã từng theo chồng chuyển đến Thiên Tân, chịu sự quản lý gắt gao của quân Nhật, sau này lại bị bắt giam và luân chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác để rồi cuối cùng ra đi do chứng nghiện ngập và suy dinh dưỡng.
Vị hoàng hậu truân chuyên của triều đình nhà Thanh.
Trong mối quan hệ phu thê, Uyển Dung cũng chẳng may mắn là bao khi mà chồng nàng - hoàng đế Phổ Nghi lại tỏ ra hoàn toàn dửng dưng, thờ ơ. Không ít lần, hoàng đế đi ra ngoài và bỏ nàng ở nhà cô đơn lạnh lẽo, thậm chỉ có lần còn bỏ chạy khỏi nơi loạn lạc mà không đem theo nàng.
Nàng lại không gặp may mắn trong chuyện tình cảm.
Có thể thấy, cuộc đời Uyển Dung là một chuỗi những ngày tháng cô đơn, đau khổ nối tiếp nhau. Dù tuổi thơ trôi qua trong êm đềm nhưng thời trưởng thành của nàng lại vấp phải quá nhiều trắc trở. Sự ra đi của nàng đã đặt dấu chấm hết cho danh sách dài những vị hoàng hậu chính thức được sắc phong dưới thời nhà Thanh.
Theo Helino