Các binh sĩ Philippines đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây phải sống cùng chuột và gián. Họ không thể liên lạc với gia đình và luôn cảm thấy cô độc.
Tomas Etzler, phóng viên kiêm nhà làm phim của CNN, đã lên tàu đổ bộ cỡ lớn BRP Sierra Madre (LT-57) để chứng kiến cuộc sống đầy khó khăn gian khổ của các binh sĩ Philippines khi phải sống cùng chuột và gián để ngăn chặn Trung Quốc leo thang căng thẳng tranh chấp chủ quyền.
Sierra Madre vốn là tàu của Hải quân Mỹ. Nó ra đời trong Thế chiến II. Sau đó Mỹ đã chuyển giao tàu cho Philippines. Manila để con tàu mắc cạn tại khu vực bãi Cỏ Mây, cách đảo Palawan 194 km. Lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines đồn trú trên tàu để canh gác rạn san hô và theo dõi hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc kể từ năm 1999.
Rất ít người biết khu vực bãi Cỏ Mây, hay Ayungin theo tiếng Philippines và bãi Nhân Ái theo tiếng Trung Quốc. Bãi Cỏ Mây là một phần thuộc quần đảo Trường Sa - nơi nhiều quốc gia trong khu vực cùng tuyên bố chủ quyền như Philippines, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Hành trình sóng gió
Etzler đã thương lượng với chính quyền Philippines hàng tháng để được ra bãi Cỏ Mây do Manila lo ngại vấn đề an ninh. Sau đó ông phải lên tàu gỗ để di chuyển trong 7 ngày.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến đi là đảo Pag-asa, hòn đảo duy nhất trong khu vực có người Philippines sinh sống và là điểm trung gian trên hành trình tới nơi con tàu Sierra Madre neo đậu. Thị trưởng Bito-Onon Jr cho biết mỗi năm, ông lại đến thăm Pag-asa một lần.
Một số binh sĩ Philippines thừa nhận họ đang làm nhiệm vụ trong tình trạng cô độc nhưng cảm thấy rất tự hào và "thú vị" khi theo dõi hoạt động của các tàu thuyền nước ngoài tới khu vực này, đặc biệt là tàu Trung Quốc.
Binh sĩ trên tàu Sierra Madre neo đậu tại bãi Cỏ Mây chuẩn bị bữa ăn. Ảnh: CNN
Kết thúc chuyến hành trình dài 3 ngày, tàu của Etzler đã cập đảo Pag-asa. Trước khi đặt một căn cứ quân sự tại đây, chính phủ Philippines đã khuyến khích người dân tới khu vực này sinh sống vào năm 2002. Sau hơn 12 năm, tới nay, 120 người đã tới sống cùng với một số ít binh lính không quân, hải quân và lính thủy đánh bộ Philippines.
Sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc
Trước khi tiến tới tàu Sierra Madre, chiếc tàu của phóng viên CNN đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng đụng độ với tàu hải giám Trung Quốc vốn có một lực lượng tàu đánh cá hiện đại hùng hậu đi sau. Sự lo ngại của phóng viên Etzler là hoàn toàn có cơ sở bởi Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn các tàu tiến tới khu vực bãi Cỏ Mây.
Phần lớn tàu thuyền tới bãi Cỏ Mây đều xuất phát từ tỉnh đông nam Philippines, Palawan. Khi nhìn từ xa, tàu Sierra Madre trông giống như mọi con tàu lớn khác nhưng khi tiến lại gần, nó lại khiến mọi người cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Dưới tác động của thời gian, tàu Sierra Madre đã bị han rỉ và có thể đổ sụp bất cứ khi nào.
Sau khi leo lên boong tàu bằng một chiếc thang tạm bợ, phóng viên CNN đã gặp trung sĩ Earl Pama, 29 tuổi, người chỉ huy tiểu đội lính thủy đánh bộ Philippines. Trung sĩ Pama cho biết, đơn vị của anh đã lên tàu Sierra Madre từ ngày 30/3.
Giống như các đảo khác trong khu vực, cứ sau mỗi 3 tháng, các tiểu đội lính thủy đánh bộ Philippines lại luân phiên nhau canh gác ngoài đảo. Hành trình tới tàu Sierra Madre không hề dễ dàng, bởi đơn vị của Pama đã bị các tàu Trung Quốc chặn lại và phải đi đường vòng để tới bãi Cỏ Mây.
Tàu Trung Quốc như cá mập săn mồi
Trong ngày đầu tiên trên tàu Sierra Madre, phóng viên CNN đã được chứng kiến 5 tàu Trung Quốc liên tục đi quan giám sát bãi Cỏ Mây không khác gì cá mập săn mồi. Khi nhìn qua ống nhòm, Etzler phát hiện các thủy thủ Trung Quốc dùng máy quay để ghi lại mọi hoạt động của binh sĩ Philippines.
Khi mặt trời lặn, Etzler đã có cơ hội trải nghiệm cuộc sống khắc nghiệt trên tàu Sierra Madre. "Tôi ước tính từ 500 – 600 con chuột và một triệu con gián ở đây", một binh sĩ Philippines cho biết.
Điều kiện trong cabin cũng không tốt hơn với sự xuất hiện của đàn muỗi. Cuối cùng, Etzler đã chọn cách ngủ trên mái của con thuyền đánh cá mà ông dùng để ra tàu Sierra Madre.
Ban ngày mới là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất khi các thủy thủ Philippines phải đối mặt với ánh nắng chói chang và nhiệt độ cao. Trong những ngày mưa bão, căn phòng radio là nơi duy nhất mà họ có thể liên lạc với lãnh đạo trên đảo Palawan. Do đó, các binh sĩ Philippines gần như hoàn toàn sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Trung sĩ Hibert Bigana (30 tuổi) kể: "Cuộc sống của chúng tôi thật khó khăn bởi chúng tôi phải sống xa gia đình. Chúng tôi không thể liên lạc với gia đình và đơn độc giữa biển cả. Đó là cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi không thể làm bất cứ việc gì".
Câu cá là một trong những cách giúp binh sĩ Philippines tại bãi Cỏ Mây giết thời gian. Ảnh: CNN
Đôi khi các binh sĩ Philippines phải vật lộn để sinh tồn. Kể từ năm 2012, các tàu Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và ngăn cản tàu Philippines đưa binh sĩ và lương thực tiếp tế tới bãi Cỏ Mây.
"Họ ngăn tàu tiếp vận cho chúng tôi khiến chúng tôi không có thức ăn, thiếu thốn các nhu yếu phẩm cần thiết và cả nước uống", anh Pama nói.
Do lo ngại khả năng bùng nổ giao tranh với tàu thuyền Trung Quốc, hải quân Philippines đã phải dùng đến trực thăng để thả đồ tiếp tế hoặc nhờ những tàu đánh cá đi qua khu vực hỗ trợ. Vào ngày thứ 2 trên tàu Sierra Madre, phóng viên CNN đã được chứng kiến hình ảnh 2 máy bay của hải quân Philippines thả 2 thùng tiếp tế xuống boong tàu và trên biển cho các thủy thủ.
Các đơn vị được cử tới tàu Sierra Madre làm nhiệm vụ 3 tháng đều trải qua quãng thời gian đầy gian khổ. Các thùng tiếp viện chủ yếu mang theo thực phẩm, nước uống, dép và khăn tắm cho các binh sĩ.
Nhưng điều mà các binh sĩ Philippines mong chờ nhất là những bức thư của trẻ em đất liền và các hộp đồ ăn nhanh như gà rán hay cơm rang. Những đồ ăn này rất hiếm và chỉ được gửi đến 1 hoặc 2 lần cho một tiểu đội Philippines trong vòng 3 tháng tới làm nhiệm vụ trên tàu Sierra Madre.
Ngoài đồ ăn được tiếp tế, hàng ngày, các binh sĩ Philippines đi câu cá hai lần. Sau đó, họ đưa cá lên boong tàu để sấy khô và nướng. Câu cá cũng là hình thức để các binh sĩ Philippines giết thời gian khi trên tàu không có việc gì làm. Khi không đi câu cá, các thủy thủ lại giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc hay lau chùi vũ khí. Thậm chí, việc đi lại trên tàu cũng rất nguy hiểm bởi theo thời gian Sierra Madre đã bị hư hỏng và tạo ra nhiều vết thủng lỗ chỗ trên khắp mặt sàn tàu.
Mặc dù, ngày càng hung hăng trong việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại không vội xâm chiếm bãi Cỏ Mây mà kiên nhẫn chờ cho con tàu của Philippines không còn có thể đứng vững trước sự hao mòn của thời gian và không cần sử dụng tới một viên đạn.
Ngay đầu năm nay, Philippines đã đệ đơn kiện lên Liên Hợp Quốc về những hành động phi lý và cách ứng xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm việc phong tỏa bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố họ không chấp nhận tham gia vụ kiện và khăng khăng cho rằng các cuộc tranh chấp cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương.
"Hy sinh tính mạng để bảo vệ tàu"
Trong buổi tối thứ hai và cuối cùng trên tàu Sierra Madre, phóng viên Etzler đã có cuộc trò chuyện với chỉ huy Pama và cùng ngắm hoàng hôn trên boong tàu.
Khi được hỏi về một ngày Trung Quốc tiến gần hơn tới bãi Cỏ Mây, Trung tướng Pama chia sẻ: "Nếu Trung Quốc cố gắng tiếp cận khu vực, chúng tôi sẽ vẫn bảo vệ con tàu đến cùng. Chúng tôi được huấn luyện để bảo vệ tàu. Chúng tôi sẽ hy sinh tính mạng để bảo vệ tàu".
Cuối cùng, phóng viên CNN và các thành viên cùng đoàn đã rời tàu Sierra Madre vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau và may mắn không vấp phải sự truy cản của các tàu Trung Quốc.