Theo báo cáo, toàn tỉnh có 79 căn nhà của dân bị ngập, tốc mái; hơn 638 ha lúa, hoa màu bị ngập; 581,57 ha cây trồng bị gãy đổ, hư hại; 19,2 km đường giao thông bị sạt lở; 11 cầu dân sinh bị cuốn trôi, hư hỏng.
Mưa lớn làm 5 gười chết, 2 công trình thủy điện Đắk Sin 1 và Đăk Kar, 3 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua. Tổng mức thiệt hại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong đợt mưa lũ từ 6-11/8/2019 hơn 120 tỷ đồng.
Trước đó, vào sáng này 8/8, tại thôn 14 (xã Đắk Sin) xảy ra vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Vụ sạt lở vùi lấp 1 ngôi nhà làm 3 người trong gia đình chết. Như vậy, chỉ trong 2 ngày có tới 5 người thiệt mạng do mưa lũ ở Đắk Nông.
Liên quan đến sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar, theo Ban chỉ đạo, sáng 11/8, mực nước hồ đang giảm. Cụ thể, đến 6h30 11/08 mực nước hồ ở +473,73m, giảm 4,27m so với thời điểm mực nước cao nhất và 2,22m so với sáng 10/8.
Cửa tràn bên trái đã nâng được 0,8m/8,5m, cửa tràn bên phải đã nâng được 0,6m/8,5m. Trước đó, tối ngày 10/8, van xả của hồ thủy điện Đắk Kar đã được mở. Việc này đã giúp cho mực nước của lòng hồ tiếp tục giảm mạnh, dần về ngưỡng an toàn, thoát nguy cơ vỡ.
Hiện tại, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ vượt +479,0m để đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Ban chỉ đạo cũng thông tin, hiện nay, sau khi nước rút, số lượng 5.000 người dân được di dời tại Bình Phước đang trở về nhà.
Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến chiều tối 10/8, mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ trong những ngày qua đã làm 10 người chết.
Cụ thể, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk: 1 người; Đắk Nông: 5 người; Kom Tum: 2 người; Lâm Đồng: 1 người. Người bị mất tích: 1 người ở Đồng Nai và bị thương: 5 người, trong đó, Đắk Lắk: 1 người và Lâm Đồng: 4 người.
Về nhà ở: 3.883 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 1079 nhà, Đắk Nông: 60 nhà, Bình Thuận: 252 nhà,Lâm Đồng: 2.430 nhà...); 1.437 nhà phải di dời (Đồng Nai: 869 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà; Đắk Lắc: 20 nhà).
Về nông nghiệp: 20.976ha lúa, hoa màu bị ngập; 1.069ha cây trồng lâu năm, 2.582ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi,
Bên cạnh đó, đã có 53,13km kênh bị sạt; 4 đập bị hư hỏng; 23,9km đường giao thông bị sạt lở; 5 cống và 21 cầu bị hư hỏng. Ngoài ra, đã có 142ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè bị thiệt hại.
Ước tính sơ bộ đợt mưa lũ này đã gây tổng thiệt hại trên 1.002 tỷ đồng.