Vấn đề Triều Tiên có thể chỉ là biểu hiện bề nổi, sự thay đổi trong bản chất quan hệ kinh tế song phương mới là điều định hình mối quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc hiện nay.
Những cửa hàng vắng khách, đường phố vắng vẻ và các nhà hàng im ắng đã làm cho kì nghỉ “tuần lễ vàng” ở đảo Jeju của Hàn Quốc không còn như những ngày thường trước đó.
Một vài khách du lịch Trung Quốc leo cầu thang ở đảo Jeju, Hàn Quốc (Ảnh: Handout) |
Vốn được ví như Hawaii của Hàn Quốc, đảo Jeju nay đang phải chịu những tác động tiêu cực từ sự tức giận của Trung Quốc thông qua lệnh cấm các công ty lữ hành cung cấp tour du lịch cho du khách đến Hàn Quốc, nhằm phản đối quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Seoul.
Là một trong những đến yêu thích của khách du lịch Trung Quốc, chiếm đến 90% lượng khách du lịch của Jeju, hiện nay hòn đảo này đang lâm vào tình trạng vắng khách nghiêm trọng.
Tình trạng của đảo Jeju là biểu hiện của những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai nước vừa bước qua cột mốc 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào hồi tháng 8 vừa qua.
Lần kỷ niệm 15 và 20 năm quan hệ ngoại giao trước đây từng được tổ chức long trọng với các sự kiện bên lề hoành tráng nhằm nhấn mạnh mối quan hệ song phương đang trên đà phát triển nhanh chóng.
Hệ thống THAAD được bố trí ở Seongju, Hàn Quốc (Ảnh: Reuters) |
Cách đây 5 năm, ông Tập Cận Bình, khi đó giữ chức Phó chủ tịch Trung Quốc, đã đến thăm Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh cùng với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì trong một sự kiện được quảng bá rầm rộ.
Tuy nhiên, năm nay lại không có sự kiện chung nào giữa hai bên được tổ chức. Quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc tham dự tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Hàn Quốc năm nay là Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hầu như cũng không mặn mà với sự kiện.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao đổi thông điệp chúc mừng với đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In. Nhưng trái ngược lại với thông điệp của ông Moon về những thành tựu và triển vọng của mối quan hệ song phương, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại nhấn mạnh thiện chí nhằm giải quyết những khác biệt đang tồn tại.
Bắc Kinh rõ ràng sẽ không để cho Seoul quên đi sự bực bội của mình khi Hàn Quốc triển khai THAAD, vốn bị Trung Quốc khẳng định rằng có thể được sử dụng để do thám các chương trình tên lửa của Bắc Kinh.
Việc phê duyệt triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ được đưa ra bởi người tiền nhiệm của ông Moon, cựu tổng thống Park Geun Hye vào tháng 7/2016.
Hai hệ thống THAAD đầu tiên hoạt động từ tháng 4 năm nay. Sau vụ Triều Tiên thử bom H ngày 3/9, chính quyền ông Moon quyết định triển khai thêm 4 hệ thống và một lần nữa khiến Trung Quốc nổi giận.
Một con đường vắng vẻ ở đảo Jeju, Hàn Quốc (Ảnh: Handout) |
Để trả đũa, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng các chế tài kinh tế. Bên cạnh sự sụt giảm số lượng khách du lịch Trung Quốc, hoạt động kinh doanh của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc ở thị trường Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Doanh thu của các nhà hàng Hàn Quốc tại Bắc Kinh giảm 1/3. Doanh thu của các hãng Hyundai và Kia Motors cũng giảm tới một nửa. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc phải rời khỏi thị trường này.
Tất cả những điều này kết hợp với sự khởi đầu của một cuộc cạnh tranh về kinh tế đã khiến cho mối quan hệ song phương rơi vào tình cảnh khó khăn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Quá khứ tươi đẹp đã xa
Bước đột phá ngoại giao năm 1992, khi Trung-Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, đã mở đầu thời kỳ "mặn nồng" về kinh tế và địa chính trị giữa hai nước.
Do giao thương với Trung Quốc ngày càng mở rộng, Seoul đã chuyển từ hoàn toàn dựa vào Mỹ đến trạng thái cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tháng 9/2015, tổng thống Park Geun Hye là đồng minh duy nhất của Mỹ đến tham dự cuộc diễu binh quy mô lớn trên quảng trường Thiên An Môn.
Trong suốt 25 năm qua, các liên kết kinh tế vững chắc đã làm quan hệ Trung-Hàn trở thành một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất ở châu Á và trên thế giới. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 227.4 tỷ USD.
Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Hàng hóa của nước này chiếm hơn một phần mười tổng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Thị phần của Trung Quốc chiếm trên 1/4 tổng sản lượng xuất khẩu của Hàn Quốc, cao gấp đôi so với thị phần của Mỹ. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 1/5 lượng hàng nhập khẩu của Hàn Quốc, tương đương với số lượng hàng hóa Mỹ và Nhật cộng lại. Hàn Quốc là một trong 5 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
Một trong những động lực thúc đẩy mở rộng liên kết kinh tế Trung-Hàn là sự gần gũi về mặt địa lý. Các công ty Hàn Quốc cung cấp phụ tùng, vật liệu và thiết bị điện tử, máy móc nói chung và các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc, hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Thương mại song phương về phụ tùng ô tô, vốn không đáng kể vào đầu những năm 1990, đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Đồng thời, sự phụ thuộc của cả hai nước vào phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản đã giảm đi đáng kể.
Nhiều người Trung Quốc xem Hàn Quốc là một ví dụ điển hình để học tập làm theo hình mẫu một đất nước giàu có đi lên từ nghèo khổ.
Một loạt các mặt hàng hóa Hàn Quốc, từ điện tử đến thời trang và mỹ phẩm, cũng như phim ảnh, âm nhạc và các sản phẩm nội dung rất phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Vào tháng 12/2015, hai nước đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), cam kết xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết 90% hàng hóa thương mại trong vòng hai thập kỉ.
Từ hợp tác đến cạnh tranh quyết liệt
Giai đoạn mở rộng nối kết quan hệ kinh tế dường như đã kết thúc, tạo ra một cuộc cạnh tranh đối đầu về kinh tế.
Sau một thời gian tăng cường hợp tác với Trung Quốc, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc đang phải đối mặt với "thách thức Trung Quốc" hơn là tận dụng "cơ hội Trung Quốc".
Các công ty Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh với các đối tác Hàn Quốc ở chính những lĩnh vực mà phía Hàn Quốc từng thống trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Phòng bầu dục trong Nhà Trắng, thủ đô Washington, Mỹ ngày 30/6/2017 (Ảnh: AP Photo/Evan Vucci) |
Số lượng các công ty Trung Quốc đang gia tăng một cách đáng kể, khiến các công ty Hàn Quốc phải chịu áp lực cạnh tranh chưa từng thấy.
Và ở cấp độ cao nhất, một loạt các hãng điện tử khổng lồ của Trung Quốc do Huawei và Haier dẫn đầu đang gia tăng đáng kể thị phần toàn cầu, cạnh tranh khốc liệt với Samsung, LG và các nhà đầu tư lớn khác của Hàn Quốc.
Từ ngành ô tô và đóng tàu cho đến hóa chất, bất kỳ ngành công nghiệp nào mà các công ty Hàn Quốc đã từng có lợi thế hiện nay đều cảm thấy sức nóng cạnh tranh từ đối thủ Trung Quốc, vốn thường được nhà nước hỗ trợ.
Hàn Quốc lại ngả về phía Mỹ
Những thay đổi mới trong cục diện Đông Bắc Á đang định hình lại bối cảnh cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bên cạnh yếu tố Triều Tiên.
Cách đây một vài năm, khi quan hệ Bắc Kinh-Seoul đang ở giai đoạn hoàng kim, các chuyên gia Hàn Quốc ở Tokyo đã cho rằng Hàn Quốc có khuynh hướng ngả về cường quốc khu vực mạnh nhất, vào thời điểm đó chính là Trung Quốc.
Nhưng xu hướng này dường như đang dần chấm dứt: Seoul đang dần ngả về lại với Washington.
Mối đe dọa từ Triều Tiên đã làm chia rẽ châu Á, phần lớn vẫn chia theo chiến tuyến từ thời Chiến tranh Lạnh, và mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung-Hàn là một biểu hiện rõ ràng của sự phân chia này.
* Bài viết thể hiện góc nhìn của ông Ivan Tselichtchev - giáo sư, giảng viên Đại học Quản lý Niigata ở Nhật Bản, đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 8/10/2017.