Trung Quốc ngày càng hung hăng đi đòi chủ quyền trên Biển Đông bất chấp lịch sử và luật pháp quốc tế.
Một Trung Quốc hung hăng
Nửa đầu năm 2014, thế giới đã chứng kiến việc Trung Quốc gia tăng những hành vi hung hăng khi tiếp tục chiến dịch “lát cắt salami” trên Biển Đông. Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng tại khu vực để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển lân cận.
Trong tháng 2, Trung Quốc bắt đầu dự án khai hoang quy mô lớn tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Quân đội nhân dân Trung Quốc PLA có thể đã xây dựng một sân bay quân sự mới nhằm kiểm soát các tuyến đường chiến lược của khu vực qua Biển Đông.
Những tháng tiếp theo, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực thi các quy định mới yêu cầu các tàu cá nước ngoài muốn hoạt động trong khu vực “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự đặt ra phải nhận được sự cho phép của họ.
Vào tháng 5, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 tới khu vực ngoài khơi bờ biển Việt Nam 120 hải lý và bắt đầu khoan tham dò tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Trung Quốc đã cho triển khai một lượng lớn tàu chiến của hải quân, tàu chính phủ, tàu cá dân sự để bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan.
Sau đó 1 tuần, tàu của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc còn ngăn cản tiếp tế cho 10 thủy quân Philippines đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa mặc dù đội ngũ này đã nhận tiếp tế thường xuyên từ năm 1999.
Khi cẩn thận xem xét lại các tài liệu lịch sử cũng như luật pháp, tất cả các tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông đều vô căn cứ
Cuối cùng, vào tháng 8, bất chấp đề nghị đóng băng các hành động khiêu khích trên Biển Đông do Mỹ đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng 5 ngọn hải đăng tại những đảo nhỏ, trong đó có 2 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa với lời bao biện là để tăng cường an toàn hàng hải.
Hai tuần sau đó, chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã có pha đánh chặn nguy hiểm đối với máy bay tuần tra P-8 của hải quân Mỹ khi đang tiến hành giám sát thường xuyên cách đảo Hải Nam 135 dặm. Vụ việc này gợi nhớ lại sự cố EP-3 hồi năm 2001, một chiến đấu cơ của Trung Quốc cũng đã bay qua bay lại ở dưới và bám sát chiếc P-8 trước khi lộn vòng trước mũi máy bay Mỹ ở khoảng cách 6-9 mét.
Trung Quốc đã biện minh cho những hành động bằng việc tuyên bố họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liền kề, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển, đáy biển nằm trong “đường 9 đoạn”. Tuy nhiên, khi xem xét một cách kỹ càng các ghi chép lịch sử và luật pháp cho thấy những tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông là vô căn cứ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên sự hiện diện rộng rãi và liên tục của chính quyền nước này đối với các đảo sau khi họ phát hiện ra suốt triều đại nhà Hán. Mặc dù các thủy thủ người Trung Quốc đã nhận thức được sự tồn tại của các đảo tại Biển Đông nhưng không có bằng chứng cụ thể chứng minh người Trung Quốc thực sự “phát hiện” ra những họ đảo trước các thủy thủ láng giềng của Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc phát hiện ra các đảo này thì theo luật phát quốc tế, việc một mình phát hiện ra không đi kèm với sự chiếm hữu và kiểm soát, không trao chủ quyền lãnh thổ. Việc chiếm giữ thực sự đòi hỏi mục đích, ý chí chủ quyền và chính quyền phải hiện diện hoặc hoạt động thực sự. Tuy nhiên, đơn giản là không có bằng chứng đáng tin về việc Trung Quốc chiếm giữ các đảo một cách hòa bình và liên tục hay việc chính quyền thực thi quyền lực tại các đảo này.
Đối với hầu hết các đảo, Trung Quốc dựa trên những hồ sơ chỉ ra rằng ngư dân của mình đã sống rải rác trên một số đảo tại quần đảo Trường Sa trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, những hành vi “không được bảo vệ thương hiệu” do các cá nhân thực hiện sẽ không đủ điều kiện để được coi là hoạt động của nhà nước trừ phi những hành vi này bị các cơ quan chính phủ xử phạt ngay lập tức. Không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy chính phủ Trung Quốc được ủy quyền từ trước tới nay hay sau đó xử phạt những hành vi đó.
Còn tiếp
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo nationalinterest)