Những bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế đều không ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Các hành vi có thể kiểm chứng về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa không diễn ra cho đến năm 1909. Tuy nhiên, những hành vi này lại diễn ra sau gần 100 năm vua Gia Long chính thức chiếm các quần đảo từ năm 1816. Việt Nam và Pháp đã quản lý hiệu quả và liên tục các đảo này cho đến khi bị quân đội Nhật Bản trục xuất trong Thế chiến II.
Hành động chủ quyền có thể kiểm chứng đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa diễn ra muộn hơn – vào năm 1933 – nhưng Pháp đã tuyên bố chủ quyền với các đảo này từ năm 1929 khi nơi đây vẫn còn là terra nullius (lãnh thổ vô chủ). Pháp chính thức chiếm đóng nơi này vào năm 1933. Đồng thời, Pháp sáp nhập và chiếm đóng hiệu quả quần đảo Trường Sa, điều này vẫn được luật pháp quốc tế công nhận. Cách chiếm đất này chỉ bị coi là bất hợp pháp sau khi Hiến chương Liên hơp quốc vào tháng 10/1945 có hiệu lực.
Trung Quốc cũng phụ thuộc vào một số điều ước quốc tế, các tài liệu và báo cáo để chứng minh các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các đảo trên Biển Đông nhưng không có cái nào hỗ trợ được cho Bắc Kinh.
Trung Quốc cho rằng Pháp đã từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi ký Hiệp ước Trung-Pháp năm 1887. Tuy nhiên, việc thông qua hiệp ước hay những hành động sau đó của các bên tranh chấp cũng không hỗ trợ cho quan điểm của Trung Quốc. Đường ranh giới được xác định trong hiệp ước 1887 chỉ quyết định quyền sở hữu đối với các đảo gần bờ chứ không phải là những đảo ở giữa biển tại khu vực Vịnh Bắc Bộ hay xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tương tự như vậy, việc Trung Quốc dựa vào Tuyên bố Cairo và Hiệp ước Potsdam để bảo vệ các tuyên bố của mình rõ ràng đã bị đặt nhầm chỗ. Những tài liệu này chỉ cho thấy Trung Quốc sẽ giành lại được Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ sau chiến tranh. Những tuyên bố tiếp theo đó là Nhật Bản sẽ bị trục xuất khỏi “các vùng lãnh thổ khác” mà họ chiếm được bằng vũ lực nhưng không có nghĩa là “các vùng lãnh thổ khác” sẽ được trả lại cho Trung Quốc. Chỉ có một kết luận hợp lý đó là “các vùng lãnh thổ khác” gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị Pháp chiếm giữ bằng vũ lực chứ không phải Trung Quốc. Do đó, khi cuộc chiến kết thúc, những hòn đảo này sẽ được trả lại cho Pháp chứ không phải Trung Quốc.
Kết luận này được hỗ trợ bởi thực tế là Tổng tư lệnh Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã có mặt tại Hội nghị Cairo nhưng không có bất cứ tài liệu tham khảo nào cho thấy các đảo tại Biển Đông xuất hiện trong tuyên bố cuối cùng. Chắc chắn, nếu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được coi là lãnh thổ của Trung Quốc trước chiến tranh, Tưởng Giới Thạch sẽ lập luận để các quần đảo này được trả lại cho Trung Quốc tại Hội nghị.
Trung Quốc tuyên bố thêm rằng chủ quyền với các đảo tại Biển Đông của Bắc Kinh được công nhận trong suốt quá trình soạn thảo Hiệp ước Hòa bình năm 1951 với Nhật Bản. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng của hiệp ước khi đưa ra là Nhật Bản đã từ chối chủ quyền đối với Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, Hoàng Sa và Trường Sa trong 2 tiểu mục riêng ở Điều 2.
Như vậy, Nhật Bản đã từ bỏ quyền với Đài Loan và Bành Hồ, nhượng lại cho Trung Quốc và quyền với Hoàng Sa, Trường Sa để nhượng lại cho Pháp.
Khi cẩn thận xem xét lại các tài liệu lịch sử cũng như luật pháp, tất cả các tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông đều vô căn cứ
Tương tự, lập luận của Trung Quốc rằng Nhật Bản trao trả lại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho mình trong 2 thỏa thuận chính thức chấm dứt chiến tranh giữa 2 nước Trung-Nhật là không có cơ sở. Điều 2, Hiệp ước Đài Loan-Nhật Bản năm 1952 chỉ đơn giản nói rằng Nhật Bản từ bỏ quyền với Đài Loan và quần đảo Bành Hồ và các đảo trên Biển Đông. Nếu mục đích của hiệp ước là chuyển quyền sở hữu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Đài Loan thì sự ủy thác rõ ràng về quyền của Đài Loan lẽ ra cũng phải được nêu ra trong hiệp ước.
Thông cáo chung Trung Quốc-Nhật Bản năm 1972 cũng không giúp ích gì cho Bắc Kinh. Thông cáo chỉ nói rằng Điều 8 của Hiệp ước Postdam sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, cả Hiệp ước Postdam và Tuyên bố Cairo đều không hỗ trợ cho những tuyên bố của Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông.
Mặc dù không chính xác nhưng Trung Quốc vẫn duy trì tái chiếm hữu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào năm 1946 khi quân đội Nhật đầu hàng quân Quốc dân đảng tại phía bắc khu vực Đông Dương trong vùng vĩ tuyến 16. Quân đội Quốc dân đảng đã trao lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Đại tướng Mac Arthur. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những quần đảo này được trao cho Trung Quốc. Ngược lại, Trung Hoa dân quốc và Pháp sau đó đã ký hiệp ước để quân đội Pháp thay thế quân của Tưởng tại phía bắc Đông Dương, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 31/3/1946. Là một lực lượng chiếm đóng, quân Tưởng có nghĩa vụ đưa Pháp rời khỏi Đông Dương nhưng họ đã không làm được điều đó.
Thực tế, quân đội Trung Quốc vẫn còn chiếm đóng bất hợp pháp tại đảo Ba Bình và quần đảo Hoàng Sa sau khi quân đồng minh chính thức tiếp quản Đông Dương vào tháng 3/1946 và rõ ràng vi phạm Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Vì vậy, Trung Quốc không có quyền sở hữu 2 quần đảo trên.
Tương tự, Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình vào năm 1956, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và tiếp tục chiếm một phần quần đảo Trường Sa vào năm 1988, 1995 là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Vì thế, Trung Quốc không có quyền pháp lý đối với các quần đảo này.
Trung Quốc cũng khẳng định miền Bắc Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với các quần đảo ở Biển Đông trong các năm 1950 và 1960. Tuy nhiên, những tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra lại có vấn đề. Quan trọng nhất, miền Bắc Việt Nam không có gì để từ bỏ trong quãng thời gian này. Hiệp định Geneva năm 1954 chia ra miền Bắc và miền Nam Việt Nam tính từ vĩ tuyến 17. Cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều năm ở phía nam vĩ tuyến này. Vì vậy, khi tiếp nhận quyền sở hữu từ Pháp, các quần đảo tại Biển Đông đều nằm dưới sự quản lý và kiểm soát của miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Bắc Việt Nam. Do đó, miền Bắc Việt Nam không thể từ bỏ lãnh thổ, bất kỳ tuyên bố nào của quan chức miền Bắc Việt Nam đối với các quần đảo tại thời điểm đó đều vô nghĩa về mặt pháp lý.
Dựa trên những bằng chứng do các bên tranh chấp đưa ra cùng với những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế có liên quan đến việc tiếp nhận lãnh thổ, có thể thấy rõ ràng Việt Nam có chủ quyền vượt trội đối với các quần đảo ở Biển Đông.
Một loạt các hành động của chính quyền Việt Nam và Pháp từ thế kỷ 18 là những bằng chứng không thể chối cãi về việc kiểm soát có hiệu quả, hòa bình và liên tục tại quần đảo Hoàng Sa.
Chủ quyền của Việt Nam được thiết lập lần đầu tiên vào thế kỷ 18, chính thức được vua Gia Long và vua Minh Mạng thiết lập chủ quyền vào thế kỷ 19, tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của người Pháp từ cuối thế kỷ 19 và nửa cuối thế kỷ 20, sau đó tiếp tục thuộc sự quản lý của miền Nam Việt Nam khi Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1956 và một nước Việt Nam thống nhất sau năm 1976.
Tương tự như vậy, Pháp đại diện cho Việt Nam đã thực hiện các hoạt động khác nhau để xác nhận chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, đặc biệt là việc chính thức sáp nhập và chiếm đóng một số phần khác vào quần đảo trong năm 1933. Vào thời điểm đó, việc sáp nhập các đảo terra nullius (đất vô chủ) của Pháp là phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành và thực tiễn quốc gia. Vương quốc Anh đã kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào những năm 1800 cũng đã từ bỏ tuyên bố của mình sau sự sáp nhập của Pháp. Vì vậy, quyền sở hữu của Pháp đối với quần đảo Trường Sa là sự thiết lập hợp pháp và đúng đắn.
Sau đó, các hành động của Pháp và Việt Nam rõ ràng chứng minh cho sự hiện diện hiệu quả và tích cực tại quần đảo này cũng như việc thi hành chủ quyền một cách hòa bình tại quần đảo Trường Sa.
Quyền sở hữu của Pháp đối với quần đảo đã được nhượng lại cho miền Nam Việt Nam vào những năm 1950 và chính phủ miền Nam Việt Nam (sau này là nước Việt Nam thống nhất) đã kiểm soát hiệu quả, hòa bình quần đảo cho đến khi Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp đảo Ba Bình năm 1956 và Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp các đảo khác vào năm 1988.
Biển Đông là nơi có tuyến đường biển chiến lược và đông đúc nhất trên thế giới. Hơn 5 nghìn tỷ giao dịch, bao gồm hơn một nửa tàu chở dầu thế giới và hơn một nửa tàu buôn trên thế giới tính bằng tấn đi khu khu vực này và đóng quân tại đây hàng năm. Trong này có hơn 1 nghìn tỷ USD thương mại của Mỹ. Một cuộc xung đột tại khu vực có thể làm mất ổn định nền kinh tế cả thế giới.
Mỹ cần chứng minh một cách mạnh mẽ việc ngăn cản sự hung hăng của Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương và khuyến khích bạn bè cũng như đồng minh của mình làm như vậy. Việt Nam cần học tập Philippines để tìm cách giải quyết tranh chấp trên các diễn đàn quốc tế.
Sẽ là vô ích khi Mỹ tiếp tục kêu gọi các bên liên quan làm rõ yêu sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự thật, luật pháp đã quá rõ ràng – những tuyên bố của Trung Quốc là không có cơ sở và hành vi đối kháng của Trung Quốc đang đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực. Thái độ trung lập giả tạo đã khiến Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn trong việc chống lại những nước láng giềng yếu thế và đưa Trung Quốc tiến thêm một bước gần hơn tới việc chiếm lấy Biển Đông một cách bất hợp pháp.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo nationalinterest)