Trận động nhất mạnh nhất thế giới từng được con người ghi nhận xảy ra gần Valdivia, phía nam Chile vào ngày 22/5/1960, tạo ra một cơn sóng thần giết chết từ 1.000 - 6.000 người.
Theo tờ Sun, các nhà khoa học đánh giá sức mạnh động đất dựa trên cường độ và thời gian xuất hiện của sóng địa chấn. Một trận động đất mạnh từ 3 - 5 độ được coi là nhẹ, từ 5 - 7 độ là động đất vừa phải, từ 7 - 8 độ là động đất mạnh, từ 8 độ trở lên là động đất cực mạnh.
Chile là quốc gia từng trải qua động đất mạnh nhất thế giới với cường độ 9,5 độ, khiến hàng nghìn người dân thiệt mạng.
Sức tàn phá khủng khiếp của trận động đất tại Chile. Ảnh: Getty |
Ngày 22/5/1960, trận động đất có độ lớn 9,5 độ và kéo dài trong 10 phút xảy ra gần Valdivia, phía nam Chile. Gần 5.000 người thiệt mạng và bị thương, hơn 2 triệu người mất nhà cử vì đợt thiên tai được ví như "cơn thịnh nộ của lòng đất". Sau động đất, sóng thần xuất hiện và tàn phá cảng Puerto Saavedra.
Thảm họa gây thiệt hại khoảng 550 triệu USD cho Chile trong khi 170 người ở Nhật Bản và Philippines thiệt mạng khi sóng thần tràn qua bờ biển các nước này. Một ngày sau, núi lửa Volcán Puyehue phun trào, tạo thành cột tro bụi 6.000 m và kéo dài thảm kịch thêm nhiều tuần sau đó.
Chile nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực bao quanh Thái Bình Dương với chiều dài 40.000 km. Đây là nơi xảy ra nhiều trận động đất và núi lửa phun trào nhất thế giới. Theo số liệu thống kê, khoảng 80% số trận động đất trên Trái Đất xảy ra tại vành đai này.
Một con phố của Chile sau trận động đất mạnh nhất thế giới ngày 22/5/1960. Ảnh: Wikimedia |
Trận động đất mạnh thứ hai trong lịch sử, nhưng giết chết nhiều người nhất, đã tấn công đảo Sumatra ở Indonesia năm 2004. Cường độ của nó đạt 9,3 độ gây ra sóng thần lớn trên Ấn Độ Dương, quét qua 14 nước từ châu Á đến châu Phi, giết chết khoảng 28.000 người ở nhiều quốc gia khác nhau.
Động đất xảy ra do các mảng kiến tạo khổng lồ của lớp vỏ Trái Đất dịch chuyển chậm, va chạm với nhau. Tác động này tuy không làm biến dạng nhiều bề mặt, nhưng hình thành sự nén ép lớn giữa ranh giới hai mảng. Khi năng lượng được giải phóng, nó gây ra rung động lớn gọi là sóng địa chấn, truyền qua các lớp đất đá tới mặt đất.
Lê Huyền (tổng hợp)