Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về tình hình - kinh tế xã hội sáng 30/5, nhiều ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về việc tăng giá điện.
Đề cập đến bức xúc của cử tri về giá điện, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn luôn tuân theo quy trình bất biến là tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện, nhưng cần đó là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên, kỳ tăng giá điện vừa qua có rất nhiều mập mờ cần phải làm rõ.
Theo ĐB Cương, người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như EVN công bố là không chính xác, khi mà số tiền điện phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên tăng giá gấp đôi và gấp ba.
"Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ được lấy làm gốc và phải căn cứ vào đó dù có chia bảng giá điện thành 6 bậc hay cả trăm bậc đi chăng nữa giá bán lẻ điện bình quân phải được chấp hành và không được thay đổi.
Tôi có hỏi một số chuyên gia, họ đều cho rằng việc chia bậc của EVN, bao gồm cả nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm điện, giá bán lẻ điện bình quân là chưa đúng với quyết định của Chính phủ và bên có lợi đương nhiên thuộc về doanh nghiệp chứ không phải người dân…”, trên Pháp luật TP.HCM dẫn lời vị ĐB tỉnh Ninh Thuận cho hay.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị sớm công bố kết luận thanh tra của giá điện vừa qua thế nào, có đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý thế nào để cử tri và nhân dân.
Ngoài ra, bà Phúc cũng lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng "té nước theo mưa", các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân.
Trên VnExpress dẫn lời đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng tăng từ đầu năm, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường. Sắp tới giá dịch vụ y tế như viện phí, giáo dục, sách giáo khoa… tăng sẽ ảnh hưởng tới CPI.
Về vấn đề giá điện, xăng, dầu, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cũng cho biết, Bộ Công thương đã có báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên cũng như trong khám, chữa bệnh, cho dù phác đồ đúng, nhưng nếu có vấn đề thì vẫn phải xem xét lại.
Theo ông Hiếu, đôi khi lý thuyết đúng nhưng khi triển khai lại có sai ở mắt xích nào đó. Khi đó cần phải dừng lại xem xét chứ không thể chủ quan, duy ý chí.
Vậy nên khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về cách thức quản lý, giám sát của mình trong việc điều hành, quản lý.
“Phải chăng nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do độc quyền trong việc mua bán, truyền tải điện”, trên VietNamNet dẫn lời ông Hiếu đặt vấn đề.