Thời gian qua, có ý kiến cho rằng ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền Từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp bão lũ là vi phạm pháp luật.
Theo đó, một số người cho rằng theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Vì vậy, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung là vi phạm pháp luật.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH đánh giá, ca sĩ Thủy Tiên đang làm chuyện tốt và không thể nói nữ ca sĩ vi phạm pháp luật.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, từ thực tế trường hợp làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên, cần nhìn nhận lại để thấy rằng quy định về việc này đã lỗi thời, phải rà soát, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH cũng bày tỏ, không nên để một mình Thủy Tiên xoay xở như vậy. Bởi việc nữ ca sĩ này tự xoay xở như hiện nay rất dễ xảy ra rủi ro, không chỉ về mặt tài chính mà còn rủi ro cả thân thể, danh tiếng.
"Tôi rất hoan nghênh hành động nhân văn của ca sĩ Thủy Tiên nhưng tôi có một lời khuyên là Thủy Tiên hãy cùng huy động mọi người làm với mình, để hỗ trợ nhanh nhất đến bà con, tránh những câu chuyện ì xèo về tiền bạc sau này", ông Nhưỡng đưa ra lời khuyên.
Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhìn từ góc độ pháp luật, việc huy động, tiếp nhận các nguồn lực trong xã hội để làm công tác cứu trợ phải có tư cách chủ thể.
Theo ông Vân, Chính phủ đã có quy định cụ thể tại Nghị định 64/2008, nhưng chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không.
Đối với chủ thể có quyền huy động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ cần quy định không nhất thiết các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, mà các thể nhân, tức là cá nhân, nhất là những người có tên tuổi, địa chỉ, uy tín trong xã hội cũng có quyền làm việc đó.
Cùng với đó, cần có thủ tục đơn giản để cá nhân đó có thể đăng ký thực hiện việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Ở đây, không nhất thiết phải qua một trình tự thủ tục hành chính rườm rà hay phải được phép mà họ chỉ cần đăng ký. Như doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với một mã định danh, thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật", trên Pháp luật và bạn đọc dẫn lời ông Vân nói và cho hay, về phương thức để cứu trợ, các cá nhân, tổ chức thực hiện có quyền lựa chọn.
ĐBQH Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh, phải có những quy định ngăn cấm để xử lý những hành vi lạm dụng thiên tai, địch họa, rồi nhân danh cá nhân kêu gọi quyên góp, cứu trợ nhưng thực chất nhằm trục lợi cho bản thân.