"Ở Việt Nam, những tuyên bố “hô mưa gọi gió” người ta mới tin chứ ở các nước khác sẽ chẳng ai quan tâm. Thậm chí, người ta còn cho rằng bị hoang tưởng", một nhà khí tượng thủy văn cho biết.
Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc một người cho rằng mình đã dùng phương pháp “khoa học thần bí” để "đuổi mưa" trong ngày mùng 2/9. Vị Võ sư này là ông Lương Ngọc Huỳnh. Ông Huỳnh cho rằng, mình là người sáng lập môn phái Lâm Sơn Ðộng, được Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga phong hàm giáo sư.
Vào ngày 31/8, ông Huỳnh đăng trên Facebook cá nhân của mình rằng sẽ "đuổi mưa".
Võ sư, Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh nguồn facebook |
"Rất nhiều người bảo tôi rằng, ngày 2/9 là ngày lễ trọng đại của đất nước, làm thế nào ngăn mưa được thì tốt. Khi đó, tôi bảo để tôi sẽ tính toán, sẽ làm. Lúc 1h sáng 1/9, tôi làm và đưa lên facebook. Sau khi tôi làm, cả ngày 1/9 nắng rất đẹp. Đến chiều hôm đó, một số người có gọi và mong muốn tôi giữ cho ngày 2/9 thời tiết tốt. Tôi có hứa và nói sẽ cố giữ đến 4 giờ chiều, nhưng nếu cố giữ thì chiều tối sẽ mưa to. Sau đó đúng như vậy, đến lúc Bắn pháo hoa thì chính khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng mưa...", ông Huỳnh cho biết trên trang Tri thức trẻ.
Cũng trên trang báo trên, ông Huỳnh liên tục nhấn mạnh, ông là nhà khoa học nên nhìn mọi thứ đều dưới con mắt khoa học. Vậy dưới con mắt của một nhà nghiên cứu về thiên văn học, việc một người có thể “hô mưa gọi gió” là có cơ sở hay không? Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam về vấn đề này.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn |
PV: Thưa ông, ông đã từng nghe đến sự kiện Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh tuyên bố mình có thể “đuổi mưa trong dịp lễ mùng 2/9”?
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn: Trước đây tôi đã từng nghe nói đến vị này rồi. Ông ấy cũng đã từng tuyên bố đuổi được mưa. Dưới góc nhìn của những người làm khoa học thì việc này không có cơ sở. Việc mưa trên trái đất là do vòng tuần hoàn của nước. Đây là điều cơ bản mà ai cũng biết. Nước dưới sông hồ khi nó bay hơi lên dưới ánh nắng mặt trời, ngưng đọng thành mây ở trên tầng cao của khí quyển. Khi gặp điều kiện nhất định nó sẽ tạo thành mưa. Đây là nguyên lý của tất cả các cơn mưa chứ không riêng biệt đối với trận mưa nào cả.
PV: Theo ông, có biện pháp khoa học nào mà con người có thể can thiệp vào làm biến đổi các hiện tượng của tự nhiên?
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn: Mưa là hiện tượng tự nhiên. Ở các nước có khoa học kỹ thuật tiên tiến mới có thể tác động được. Con người không thể dùng ý nghĩ chủ quan của bản thân để thay đổi được.
PV: Nếu không can thiệp vào được thì một người bình thường có thể dự đoán chính xác kết quả “nắng mưa” không, thưa ông?
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn: Hiện nay, trên thế giới chưa cần những cơ quan cao cấp, rất nhiều các website của thế giới người ta Dự báo thời tiết khá chính xác. Ví dụ ở Mỹ, người ta có thể dự báo ở ngay Hà Nội của chúng ta thời tiết trong vòng mười ngày tới. Tuy nhiên, độ chính xác nó không hoàn toàn tuyệt đối nhưng nó sẽ tương đối ở mức nào đấy. Ví dụ một trận mưa rất to thì có thể biết chắc chắn (mưa 3, 4 ngày chẳng hạn).
Những điều đó, đối với người rất ít khi có thói quen sử dụng website, sử dụng công nghệ, người ta chỉ quen với việc xem tivi và nghe đài dự báo thời tiết chỉ trong vòng ngày một vài ngày thì họ thường tin. Người ta nghĩ rằng, ông này giỏi quá, biết trước một tuần nhưng thực tế những cái đó chúng ta có thể biết được qua rất nhiều các kênh thông tin trong vòng 10 ngày tới. Mặc dù độ chính xác không được tuyệt đối, nó chỉ rơi vào khoảng 50 – 50%. Đấy là một cơ sở để giải thích.
PV: Nghiên cứu trong lĩnh vực thiên văn học nhiều năm, ông có thường xuyên gặp những người tuyên bố mình có khả năng “hô mưa gọi gió”?
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn: Không chỉ riêng con người, kể cả động vật cũng có một số loài có thể cảm nhận được trước lúc nào trời sắp mưa. Ví dụ như con cóc nó kêu lúc trời sắp mưa chẳng hạn. Đấy không phải nó là "cậu ông trời" như trong dân gian thường nói mà cơ quan giác quan của nó cảm nhận được sự thay đổi của khí hậu. Hay như con cá trê nó cảm nhận được động đất cũng thế.
Mình dự đoán thì có khả năng nhưng nói dựa vào phương pháp “khoa học tâm linh” thì là điều không có cơ sở. Hiện nay, chưa có bằng chứng chứng minh nên chúng ta không bác bỏ. Tuy nhiên, không bác bỏ không có nghĩa là tin. Khi một GS đưa ra một phát ngôn như thế thì tất cả mọi người đều phải chờ đợi cái chứng minh bằng thực tế của ông ấy như thế nào. Phải có cơ sở khoa học cụ thể bằng thực tế lặp lại nhiều lần chứ không phải chỉ một vài lần.
Thực ra, có rất nhiều người đã từng có tuyên bố như ông Huỳnh là dự đoán được điều này, điều kia. Ở Việt Nam, khoa học chưa phát triển nên những tuyên bố như thế này người ta mới có người tin chứ ở các nước phát triển sẽ chẳng ai tin. Thậm chí, người ta còn cho rằng bị hoang tưởng.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Kim Thược