Trước thông tin nửa thực nửa hư rằng núi "Bạch Tuyết" có hàng tấn vàng bạc, châu báu có không ít người đã tìm đến khám phá. Thế nhưng, "núi thần của" đã có từ bao đời nay mà vẫn được giữ nguyên, "kho báu" chưa hề một người nào có thể "sờ" đến.
Khu miếu trên núi Cô Tiên. Ảnh: Công lý |
Theo thông tin được người dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội rỉ tai nhau, trên núi Cô Tiên (hay còn gọi là núi Bạch Tuyết) có một kho báu của người tàu với hàng tấn vàng bạc, nhưng được "yểm bùa" bằng những cô gái đồng trinh bị chôn sống.
Cụ thể, khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh thua chạy về nước, tướng giặc không nỡ bỏ đi số vàng bạc khổng lồ vơ vét được và định đem về nước. Nhưng nhóm tàn quân không dám đem theo, đành nghĩ ra cách chôn và trấn yểm bằng cách chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của.
Lại có lời đồn đại khác rằng, hàng ngàn năm trước người Tàu qua đây làm ăn, buôn bán rồi trở nên giàu có. Sau đó ít lâu, người đó buộc phải về nước, để lại cơ nghiệp và một đống châu báu mà không đành lòng. Ông chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành, kéo dài vào núi Vân Côn để chôn dấu của cải. Chắc ăn hơn, người Tàu tìm cách bắt một thiếu nữ đẹp chôn sống, trấn yểm thể đất để làm thần giữ của.
Nhiều người dân Vân Côn kể, kho báu đó không ai có thể đột nhập để lấy đi dù chỉ là một… nắm đất vì nó đã được yểm bùa bằng “linh hồn trinh nữ”. Đến giờ, nhiều người dân khi đi qua ngôi miếu vào những đêm sáng trăng vẫn thường thấy một hình nhân nữ mặc áo trắng, tay cầm quạt bay la đà xung quanh núi.
Thậm chí, có người còn quả quyết rằng đã nhìn thấy hình nhân nữ kia ngồi khóc tỉ tê trên mấy viên đá trắng. Sáng ra kiểm tra, mấy ngọn cỏ mọc quanh phiến đá ấy nằm rạp xuống mặt đất như có ai giẫm chân lên.
Ngoài ra, còn có rất nhiều truyền thuyết được người dân ở đây rỉ tai nhau như: Có mấy người bạo gan, hám của thuê thợ thuyền đào bới, truy tìm kho báu dưới chân miếu thiêng. Lúc đào thấy một con rùa đang nằm với hàng tấn vàng bạc chói lóa, sáng lòa dưới hố, khi mang lên toàn bùn đen, đất đỏ. Từ đó, gia đình mấy anh thợ đào khoán không suy vì cách này thì cũng lụi tàn vì cách khác, người thân đau ốm triền miên.
Cũng có người lại kể đã từng nhìn thấy trăn rắn, gà vàng, cóc bạc chui ra từ kẽ đá dưới chân ngôi miếu vào những hôm trời nổi gió, mưa giông. Nếu ai trót bắt mang về thì “Thánh vật” cho cả nhà sống cũng vật vờ… như chết. Đến khi nào mang trả đồ vật, đồng thời phải “trai giới” dâng hương tế lễ đúng 7 ngày mới mong tai qua, nạn khỏi.
Về việc này, trên báo Công lý dẫn lời ông Vũ Tiến Tiu (SN 1957) - Trưởng Ban kiến thiết thôn Ninh Thượng cho hay: Sở dĩ ngôi miếu này có tên gọi miếu Bạch Tuyết bởi tương truyền: Ngày xưa, có nàng công chúa tên gọi Bạch Tuyết hay rời kinh thành du ngoạn núi non. Khi đi qua vùng này, thấy có ngọn núi đá trắng mọc bên dòng sông nước trong văn vắt, cây cối tốt tươi, khung cảnh hữu tình, công chúa liền cho người xây dựng trên đỉnh núi một chiếc quán để nghỉ ngơi. Rồi những đêm trăng sáng, nàng thường cùng cung nữ trầm mình đùa vui dưới dòng nước mát, tựa hồ như tiên nữ giáng trần. Sau này, khi nàng mất, dân làng tưởng nhớ thường đến quán thắp hương khấn vái. Cái tên Quán Bạch Tuyết, núi Bạch Tuyết, miếu Bạch Tuyết cũng ra đời từ đó.
Ông Tiu cũng khẳng định, chuyện có “kho báu đồng trinh” dưới chân ngôi miếu là hoàn toàn hoang đường, không có cơ sở. Theo ông Tiu, dạo đó có 2 bà sư ngoài Hà Nội về miếu này tế lễ, phát hiện dưới chân gốc cây si nơi kẽ đá mọc lên một cây nấm. Cứ thế, câu chuyện “nấm mọc trên đá” làm sôi sục cả một vùng quê, dân tình nườm nượp kéo nhau về xem cái hiện tượng kỳ khôi, có người còn phán: Đấy là “Thánh hiển linh”. Có lẽ, cũng chính từ sự kiện này đã bị "tam sao thất bản", mọi người đẩy câu chuyện sang một hướng không chính xác.
"Kể từ khi xuất hiện, mấy tháng trời cây nấm này không lớn lên thêm được chút nào mà vẫn giữ nguyên hình dạng, kích cỡ ban đầu. Chỉ có những câu chuyện về nó thì ngày càng “lớn” lên nhờ được các con nhang, đệ tử khắp nơi truyền tụng, thêu dệt, thổi phồng mang đầy màu sắc hoang đường", ông Tiu nói thêm.
Cũng liên quan đến những kỳ bí về kho báu trên, theo báo Pháp luật & Xã hội đưa tin, đã có không ít người đi thử vận may tìm "kho báu" nhưng không thành. Và ngày càng có nhiều người mơ thấy vàng bạc châu báu hoặc bị “tiên nữ” nhập hồn.
Một cán bộ văn hóa xã Vân Côn cho biết: "Lời đồn nhiều người bị "ma bắt" hay dưới núi Bạch Tuyết có "hầm thần của" tôi cho rằng không có căn cứ. Mặt khác, nhiều người bảo nằm ngủ hay mơ thấy một cô gái áo trắng xuất hiện đó cũng chỉ là giấc mơ. Hiện cứ ngày rằm, ngày lễ... người dân ở đây thường đến thắp hương, cúng lễ tại núi Bạch Tuyết rất đông. Người dân ở đây thấy núi linh thiêng đã đóng góp xây dựng bảo vệ di tích. Tuy nhiên, đây là điểm không nằm trong khu bảo tồn văn hóa nên chưa có sự quan tâm nào từ các cấp chính quyền".
Theo lời bà Đỗ Thị Cấm người đã có thâm niên hơn 20 năm trông coi ngọn núi lạ này, cho biết: "Trên đỉnh núi dân làng Vân Côn thờ bà chúa Hẹ và quan Thượng Lềnh, chứ không phải như người ta đồn thổi. Ngọn núi là 4 tảng đá tự dưng mọc lên. Thuở nhỏ tôi thấy núi có phần nhỏ hơn bây giờ.
Có lẽ nó đã lớn lên chút ít. Chuyện có kho báu phía dưới hay không? Đúng là người ta rỉ tai nhau. Nhưng có thật hay không thì theo tôi không có cơ sở để nói dưới 4 tảng đá kia có kho báu. Nếu theo truyền miệng thì dưới 4 tảng đá ấy có chôn ấn tín nhưng ấn tín gì thì cũng không ai rõ.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết. Những năm 1983 - 1984 đã có người đến đào núi để tìm của cải, tuy nhiên sau đó không hiểu vì lý do gì mà cuộc đào núi bất thành. Từ ngày đó đến bây giờ không ai còn có ý định đào núi tìm của cải hay ấn tín nữa".
Bà Cấm khẳng định, chuyện kho báu dưới chân núi là không có cơ sở mà không hiểu sao người dân trong vùng vẫn đồn thổi về một tài sản lớn nằm dưới lòng đất ấy. "Đó là một ngọn núi thiêng. Bởi nó thờ các thần. Nhưng có lẽ sự việc đã bị "tam sao thất bản", mọi người đẩy câu chuyện sang một hướng không chính xác".
Đức Hòa (tổng hợp)