Theo cơ quan kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có tới 23.464 người đã bị kỷ luật vì vi phạm điều lệ đảng. Điều này càng khẳng định thêm quyết tâm bài trừ tham nhũng của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.
Năm 2015 mới chỉ bắt đầu nhưng người ta đã tiếp tục nghe nhiều tin tức về chống tham nhũng ở Trung Quốc. Chỉ tính từ đầu năm 2015, một trùm tình báo, một bí thư Nam Kinh và một nhà ngoại giao cao cấp đã bị điều tra.
Bối cảnh hiện nay cho thấy, chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình phát động hai năm qua sẽ không bị chững lại.
Ngày 20/11/2012, không lâu sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập đã có bài diễn văn, trong đó nhấn mạnh: “Nhiều dữ kiện cho chúng ta biết rằng tham nhũng ngày càng trầm trọng, và rốt cuộc đảng và đất nước sẽ sụp đổ. Chúng ta phải cảnh giác.”
Theo NBC News, kể từ khi nhậm chức gần hai năm trước, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy quyền bậc nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, phần lớn nhờ vào chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ, nhắm tới mọi thành phần trong bộ máy nhà nước.
“Đả hổ diệt ruồi”
Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch tính đến thời điểm này là Chu Vĩnh Khang, người mà chỉ vài năm trước vẫn được coi là một trong số những quan chức quyền lực và đáng sợ nhất Trung Quốc. Với tư cách giám đốc cơ quan an ninh nội bộ Trung Quốc, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Chu có khả năng thao túng một nguồn tiền còn lớn hơn cả ngân sách dành cho quân đội.
Chu hiện bị bắt giữ để điều tra với các cáo buộc "tiết lộ bí mật quốc gia; lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước; có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền".
Ngôi nhà tại quê của ông Chu Vĩnh Khang
Ngay trước lễ Giáng sinh, cơ quan chống tham nhũng thông báo ông Lệnh Kế Hoạch, cựu cố vấn thân cận của ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc tiền nhiệm, cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Đây là cách nói phổ biến nhằm ám chỉ hành vi tham nhũng.
Ngay trước lễ Giáng sinh, cơ quan chống tham nhũng thông báo ông Lệnh Kế Hoạch, cựu cố vấn thân cận của ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc tiền nhiệm, cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Đây là cách nói phổ biến nhằm ám chỉ hành vi tham nhũng.
Một người khác, tướng Từ Tài Hậu, từng là thành viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch quân ủy trung ương.
Sa cơ
Cuối tháng 12, các nhà điều tra Trung Quốc tuyên bố điều tra ông Vương Minh - Bí thư Thành ủy Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) - vì nghi ngờ "vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật" - thông báo của Cơ quan giám sát kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết.
Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Vương - người lớn tiếng hô hào cần phải làm trong sạch chính phủ - có bài phát biểu về tham nhũng hôm 18/12.
Ông Vương cũng đứng đầu một phái đoàn tham kiểm tra tất cả các phòng ban về chống tham nhũng.
Số phận tương tự dành cho Vạn Khánh Lương, bí thư thành ủy Quảng Châu.
Vị trí của ông Vạn – người đứng đầu về đảng của thành phố Quảng Châu 12 triệu dân – vốn được coi là một bước đệm để bước lên các vị trí lãnh đạo cao hơn. Cả hai người tiền nhiệm của ông Vạn, ông Huang Huahua và Zhu Xiaodan, đều lên nắm chức chủ tịch tỉnh Quảng Đông từ vị trí này.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), thông báo bắt giữ và điều tra ông Vạn gây bất ngờ cho nhiều người. Một ngày trước đó, ông Vạn mới xuất hiện trước công chúng khi cùng các quan chức địa phương đến thăm một quận ở Quảng Châu, và tin này đã đăng trang trọng trên trang nhất tờ Nhật báo Quảng Châu, cơ quan ngôn luận chính thức của thành ủy.
Tiền và tiền
Nhiều viên chức sa cơ bị tố cáo nhận hối lộ, và có vẻ rất thích tiền mặt.
Khi Vụ phó vụ năng lượng Trung Quốc Ngụy Bằng Viễn bị giải đi hồi tháng Năm 2014, các nhà điều tra tìm thấy khoảng 200 triệu nhân dân tệ tiền mặt trong nhà ông.
Truyền thông nhà nước nói đây là vụ thu giữ tiền mặt lớn nhất từ khi đảng Cộng sản nắm quyền năm 1949.
Người ta phải dùng 16 máy để đếm tiền, và bốn máy bị hỏng do nóng quá.
Mã Tuấn Phi được bổ nhiệm làm Cục Phó Cục đường sắt TP Hô Hòa, khu tự trị Nội Mông năm 2009.
Theo truyền thông, số tiền nhận hối lộ của ông lên tới 130 triệu nhân dân tệ. Ông nhận hết, từ đôla Mỹ, euro, đồng bảng Anh, vàng và nhân dân tệ.
Dùng nước đổi tiền
Mã Siêu Quần nguyên là tổng giám đốc một công ty cấp thoát nước tại quận Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc.
Có biệt danh “cọp nước”, ông ta bị nói là công khai đòi tiền mọi doanh nghiệp cần mắc nước, như khách sạn, nhà máy, văn phòng chính quyền.
Nếu người ta không nộp đủ tiền, ông ta sẽ cắt nước ngay.
Sau khi bị bắt, giới chức tìm thấy 120 triệu nhân dân tệ, 37 kg vàng và sổ đỏ của 68 ngôi nhà.
Quan tham mê rượu Mao Đài
Phùng Việt Hân, cựu trưởng công an một quận ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị tử hình năm 2014 vì tội bảo kê tội phạm.
Cảnh sát phát hiện 1.853 chai rượu Mao Đài khi khám nhà ông ta.
Nghe nói ông Phùng thích thức uống này và không ngại khó khăn tìm rượu ngon, thậm chí trả hẳn 80.000 tệ cho một chai.
Phóng viên dũng cảm
Ngày 31/3/2014, Tân Hoa xã cho biết Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần Quân đội nhân dân Trung Quốc, bị giao cho tòa án binh vì tội tham nhũng.
Tin này không gây ngạc nhiên vì một tạp chí tài chính đã xác nhận trước đó.
Phóng viên Vương Hòa Nham là người đầu tiên đưa tin ông Cốc gặp rắc rối. Là phóng viên điều tra chính của tạp chí tài chính Caixin. Trogn suốt thời gian từ 2012 đến 2014, cô nỗ lực điều tra đế chế kinh doanh của tướng Cốc.
Trong nhà tướng Cốc, người ta tìm thấy vô số thùng rượu Mao đài, và cả tượng vàng Mao Trạch Đông. Biệt thự của ông được gọi là “Tử Cấm Thành” vì độ nguy nga của nó.
Theo Yên Yên (BBC/ báo Trung Quốc)