Các cố vấn quân sự Mỹ tại Mosul đã bắt đầu mặc quân phục màu đen, giống với các binh sĩ thuộc lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Iraq.
Lính Mỹ mặc quân phục giống lính Iraq
Tờ Military Times ngày 26/3 cho hay, đây là cách để binh lính Mỹ "trà trộn" vào lực lượng địa phương khi tham gia tác chiến ở tiền tuyến Mosul - nơi hiện đã trở thành cuộc giành giật với Nhà nước Hồi giáo (IS) trên từng con phố.
Nhiều hình ảnh quân nhân mặc áo đen đã được chia sẻ trên các mạng xã hội ở Mỹ vài tuần qua. Mặc dù việc lực lượng đặc biệt của Mỹ mặc quân phục của lực lượng đối tác, nhưng tình tiết mới này được cho là rất đặc biệt.
Tại Mosul, chiến dịch giải phóng do quân đội Iraq lãnh đạo đã tiến hành được 5 tháng. Tình hình hiện nay cho thấy quân đội Mỹ đã tiến sát với chiến sự đến mức nào, kể từ khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu Lầu Năm Góc tăng cường lực lượng chống IS ở Iraq.
Người phát ngôn Trung tâm Hỗn hợp tác chiến, Đại tá Joseph Scrocca ngày 27/3 cho biết khoảng 200-300 binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù 82 và Lữ đoàn 2 tác chiến của Mỹ đã được điều động hỗ trợ quân chính phủ Iraq giành lại Mosul.
Các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt của Iraq (Ảnh: Reuters)
Military Times bình luận, việc lính Mỹ mặc quân phục đen còn hé lộ phần nào chiến thuật mà đội đặc nhiệm Navy SEAL cùng các lực lượng bí mật khác của Mỹ đang áp dụng ở chiến tuyến chống khủng bố, điều rất hiếm khi được nhắc tới.
Các quan chức Mỹ ở Baghdad tiết lộ, các sĩ quan chỉ huy sẽ quyết định binh sĩ mặc quân phục như thế nào trong từng nhiệm vụ đặc thù, và cũng không có quy định hay Chính sách nhất quán về việc lính Mỹ phải mặc quân phục nào ở chiến trường Iraq hay Syria.
Theo các quan chức này, liên quân phải tuân thủ các quy định đã tồn tại từ lâu trong chiến tranh, liên quan đến các biện pháp bắt buộc để phân biệt quân nhân với thường dân.
Thông thường, căn cứ theo Công ước Geneva 1949, quân phục cần phải dễ nhận diện từ xa, chủ yếu thông qua huy hiệu - ông Jeffrey Addicott, giám đốc Trung tâm Luật chống khủng bố, thuộc Đại học St. Mary's ở Texas, Mỹ, cho hay.
Trước khi rời khỏi quân đội Mỹ, Addicott từng là cố vấn pháp lý cấp cao cho các lực lượng đặc biệt của Lục quân. Ông cho biết, ranh giới trong việc phân định quân nhân đã trở nên mờ nhạt hơn nhiều trong 15 năm qua. Những địch thủ của Mỹ không hề tuân theo các quy định như vậy khi tham chiến, và Mỹ cũng có điều chỉnh tương ứng.
"Trong chiến tranh hiện đại," Addicott nói, "quân phục của chúng ta đã làm giảm khả năng nhận diện, để bảo vệ binh sĩ của mình khỏi các vụ tấn công của quân địch. Họ có thể ngụy trang và ẩn nấp dễ dàng hơn."
Đó cũng là những gì đang diễn ra ở Mosul. Ở một trong những bức ảnh chia sẻ trên Twitter tháng này, người ta thấy một binh sĩ Mỹ cầm súng bắn tỉa MK13 truy tìm mục tiêu từ xa. Bên dưới tấm áo chống đạn, quân nhân này mặc một áo dài tay màu đen giống với loại của Lực lượng chống khủng bố Iraq (CTS). Trên áo và mũ của anh này có hình quốc kỳ Mỹ màu sáng.
Trong hình ảnh khác, một lính Mỹ đang khoác vai một binh sĩ Iraq. Dù vũ khí và trang bị bảo hộ của hai quân nhân khác nhau, nhưng rất khó để phân biệt hai bộ quân phục.
Quân nhân Mỹ mặc áo đen vẫy tay với các em nhỏ trên đường phố Mosul (Ảnh: Twitter)
Chấp nhận rủi ro khi "ngụy trang"
Theo ông Addicott, khi bỏ đi những dấu hiệu nhận diện trên quân phục của mình, quân đội Mỹ đã chấp nhận rủi ro mất đi tình trạng được bảo hộ hợp pháp trong vai trò "nhân viên tác chiến của phe địch". Điều này thường là quan trọng trong trường hợp lính Mỹ bị bắt làm tù binh. Nhưng với IS, điều đó cũng không quan trọng.
"Anh đang phải đối đầu với một kẻ thù sẵn sàng tra tấn và chặt đầu người ta," ông nói với Military Times. "Chúng sẽ giết anh dù anh có mặc quân phục hay không."
Clint Emerson, một thành viên Navy SEAL nghỉ hưu, cho biết có nhiều lý do - từ chính trị đến thực tế, khiến các lực lượng đặc nhiệm phải ngụy trang ở Mosul.
Việc lính Mỹ hiện diện trên bộ ở bất cứ đâu đều là trở thành vấn đề nhạy cảm. "Mặc quân phục giống như CTS sẽ giúp hạn chế các chỉ trích rằng lực lượng Mỹ đang tích cực tham chiến," Emerson nói.
"Ngụy trang" cũng có lợi trong việc che giấu số lượng binh sĩ tham gia các cuộc tuần tra, giảm thiểu rủi ro bị "quân ta" tấn công - Emerson đề cập các vụ nhận diện nhầm dẫn đến binh sĩ từ các lực lượng đồng minh nổ súng vào nhau.