Hai cảnh quay cực hiếm từ năm 1991 và 1997 sẽ cho ta thấy những khía cạnh rất khác của bộ lạc Sentinelese - những người chịu trách nhiệm cho cái chết của thanh niên John Allen Chau - khi tiếp xúc với hai đoàn thám hiểm Ấn Độ.
Mới đây, thông tin về một nhà truyền giáo người Mỹ mang tên John Allen Chau - người bị giết sau khi chạm trán bộ lạc Sentinelese - đã được lan truyền rộng rãi. John bước chân lên hòn đảo Bắc Sentinel một cách trái phép nhằm nói chuyện với bộ lạc, nhưng lại bị thổ dân bắn cung đến chết. Điều này đã làm dấy lên ít nhiều sự tò mò về một bộ tộc nằm biệt lập trên hoang đảo, cách ly hoàn toàn với người dân và chính quyền Ấn Độ.
Đặc biệt hơn cả, cách họ "đón tiếp" người ngoại lai cũng là một ẩn số, khi hai cảnh quay cực hiếm từ năm 1991 và năm 1997 đã ghi lại được hai thái cực hoàn toàn khác biệt của thổ dân nơi đây:
Cảnh quay năm 1991: Cuộc chạm trán kết thúc trong hòa bình và yên ổn
Vào ngày mùng 4 tháng 1 năm đó, ông Trilokinath Pandit - thuộc tổ chức Khảo sát nhân chủng học Ấn Độ - cùng đồng nghiệp đã tới thăm hòn đảo Bắc Sentinel trên biển Ấn Độ Dương để quan sát lối sống của bộ lạc Sentinelese.
Trong đoạn clip, ta có thể dễ dàng thấy được các thành viên bộ lạc tiến gần tới đoàn thám hiểm với dáng vẻ khá tò mò chứ không hề hung bao như những gì ta biết trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Đoàn thám hiểm thậm chí còn ném những trái dừa xuống mặt biển như một cách thể hiện thiện chí với thổ dân nơi đây, và các thổ dân cũng chẳng ngại gì mà thu thập lại những món quà nho nhỏ nhưng đầy giá trị ấy.
Các thổ dân tỏ ra không hề sợ hãi người ngoài. |
Song nếu xem tiếp khoảnh khắc dưới đây về một lần chạm trán khác 6 năm sau đó, hẳn sẽ không ai dám ném dừa vào bộ lạc Sentinelese như đoàn thám hiểm năm nọ...
Cảnh quay năm 1997: Bộ lạc Sentinelese tấn công kẻ ngoại lai bằng loạt cung tên đầy hung bạo
Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh dễ gần năm 1991; vào năm 1997, một đoàn người Ấn Độ khác cũng đã thử liên lạc với chủ nhân của hòn đảo Sentinel, nhưng lại phải hối hận ngay sau đó. Cũng cầm theo những trái dừa mọng nước làm quà cho thổ dân nơi dây, nhưng ngay khi bơi thuyền đến gần vị trí hòn đảo, bộ lạc Sentinelese đã dùng cung tên bắn cảnh cáo đoàn thám hiểm khiến họ từ bỏ ngay ý định kết giao của mình.
Bộ lạc Sentinelese không thực sự thân thiện như ta tưởng. |
Hai tình huống giống hệt nhau nhưng lại có cách tiếp đón hoàn toàn khác lạ từ phía những thổ dân. Điều này cho thấy việc viếng thăm bộ lạc thiểu số với chỉ vỏn vẹn 150 người như Sentinelese vẫn không phải lựa chọn khôn ngoan chút nào. Chính thế nên chính phủ đã phải ra luật cách ly bộ lạc nói trên với thế giới bên ngoài, và mọi sự tiếp cận với Sentinelese mà không có cấp phép trước đều bị cho là phạm pháp.
Mà cũng không cần phải đề ra luật lệ gì nhiều cho cam, bởi riêng cái chết thương tâm của chàng thanh niên người Mỹ John Allen Chau đã đủ để ta hiểu rằng mỗi người - kể cả các thổ dân trên đảo Sentinel - đều có cuộc sống riêng, và việc xâm phạm đến sự riêng tư đó đôi khi sẽ đem lại những hậu quả khó lường.
Duy Vu
Theo Helino/Trí thức trẻ