Đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Cẩn- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại buổi Tọa đàm diễn ra ngày 09/04.
Buổi Tọa đàm chủ yếu khai thác chủ đề: “Đấu tranh chống hàng giả: cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành”.
Hiện mới chỉ có những thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài "sốt sắng" ký kết chương trình hợp tác tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi vào thị trường Việt Nam. Mới đây nhất là Louis Vuitton ký kết với Chi cục quản lý thị trường Hà Nội. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại không quan tâm đến vấn đề này.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cẩn thì doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra rà soát, từ đó sớm phát hiện và đẩy lùi tình trạng hàng nhái hàng giả. Trong khi trang thiết bị của lực lượng chống hàng giả còn thô sơ lạc hậu nên việc kiểm tra hay xác nhận hàng hóa là hàng giả gặp rất nhiều khó khăn, mất thời gian kiểm định. Còn với bản thân doanh nghiệp họ tiếp xúc với sản phẩm của mình hàng ngày, so sánh từ mẫu mã cho đến kiểu dáng sẽ dễ dàng để nhận biết và phân biệt được đâu hàng thật hàng giả. Do đó việc phối hợp chắt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng là rất cần thiết.
Theo thống kê của ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2014 là hơn 21.600 vụ. Tuy nhiên phải thẳng thắn mà nói rằng con số thực còn có thể hơn thế gấp nhiều lần.
Còn nhớ tháng hồi 11 năm ngoái Đội QLTT số 1 phối hợp cùng tổ kiểm tra do Phòng Bảo vệ chính trị 4 CATP Hà Nội đã bắt giữ 131 bao tải dứa chứa hơn 8 tấn bao bì nilon các nhãn hiệu mỳ chính Ajinomoto, Miwon, A-one; bột nêm Knorr và xà phòng Omo. Lô hàng này sau đó đã được tiêu hủy.
Thử hình dung xem nếu số lượng bao bì giả này được thông hành trót lọt thì sẽ có bao nhiêu gói mỳ chính, bột nêm và xà phòng được bày bán ra thị trường, sự thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp cũng như thất thu cho ngành thuế là rất lớn nhưng điều quan trọng hơn đó là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hậu quả của nó lớn hơn hẳn so với 35 triệu đồng, con số mà các đối tượng vận chuyển lô hàng này bị xử phạt hành chính.
Hàng giả vẫn cứ tràn lan công khai trên thị trường, các cơ quan chức năng thì thường xuyên tăng cường kiểm tra kiểm soát, bắt giữ, xử phạt và tiêu hủy, tuy nhiên doanh nghiệp thì vẫn “im hơi lặng tiếng” cho dù lô hàng bị bắt giữ là hàng giả sản phẩm của mình.
Để lý giải cho vẫn đề này phóng viên đã có những trao đổi ngắn bên thềm Tọa đàm với ông Mai Hòa Việt - Trưởng ban bảo vệ quyền sở hữu toàn quốc, đại diện cho thương hiệu Unilever Việt Nam.
Theo ông Việt: “Trước hết phải thẳng thắn mà công nhận rằng trách nhiệm thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp, bởi bản thân người lãnh đạo không muốn công bố hay để lộ thông tin rằng sản phẩm của mình đang bị làm giả và bày bán tràn lan trên thị trường do lo sợ khách hàng hoài nghi mà quay lưng với sản phẩm. Bởi tâm lý chung của người mua hàng là khi có sản phẩm nào bị tố làm nhái làm giả là họ không mua sản phẩm đấy nữa. Bên cạnh đó việc thành lập một lực lượng chống hàng giả ngay trong công ty cũng sẽ rất tốn kém. Sản phẩm chính hãng bị làm giả gây thiệt hại nhiều về kinh tế cũng như uy tín của doanh nghiệp nhưng việc công khai doanh nghiệp chúng tôi có hàng bị làm nhái làm giả về thực tế mà nói thì là con dao hai lưỡi”.
Bên canh đó ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng góp ý là cần tăng cường số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hội nghị và tọa đàm, có như vậy mọi vướng mắc hay trăn trở của doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và cùng nhau tìm ra phướng án xử lý kịp thời.
Từ nội dung của buổi tọa đàm, phân tích mổ xẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, kiểm tra và xử phạt thì việc hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thực thi pháp luật là rất quan trọng, cần tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, gắn kết mối quan hệ giữa cơ chức năng với doanh nghiệp, có như thế công tác chống hàng giả mới thành công được
Hoàng Hà