Trong các bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc, khán giả thường thấy trước khi hoàng đế ăn, thái giám sẽ lấy ra một cây kim bạc để thử độc để đảm bảo thực phẩm đó an toàn. Một số hoàng đế khó tính hơn sẽ vừa dùng kim bạc thử độc vừa dùng người thật để thử độc. Nếu kim bạc chuyển sang màu đen thì có nghĩa là thực phẩm đã bị nhiễm độc. Tuy nhiên, việc thử độc bằng kim bạc có thực sự đáng tin cậy hay không là câu hỏi khiến nhiều người đặt ra.
Nói về vấn đề này trên Chinatimes, Liệu Vọng Xuân - phó giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Kim Lăng ở Trung Quốc cho biết, chất độc được thử nghiệm phổ biến nhất thời cổ đại là asen (tì sương). Do kỹ thuật tinh chế không tinh khiết của người xưa khiến asen có chứa lưu huỳnh và sunfua, và phản ứng giữa hai chất trên khiến kim bạc chuyển sang màu đen.
Trong chương trình "Gia truyền của nhà tôi" được phát sóng gần đây, nhóm chương trình đã dùng kim bạc để thử nghiệm như cách người xưa thường dùng. Cụ thể, tổ chương trình thử nghiệm trên món trứng luộc và phát hiện kim bạc khi đưa vào trứng sẽ chuyển sang màu đen. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu vì rõ ràng, món trứng luộc hoàn toàn bình thường, không hề thêm asen vào.
Giải thích vấn đề này, phó giáo sư họ Liệu cho biết, trong trứng luộc có axit amin, khi đun nóng sẽ phân hủy tạo ra sunfua, tạo thành lớp màu xanh đậm ở điểm nối giữa lòng đỏ và lòng trắng.
Phó giáo sư Liệu Vọng Xuân giải thích thêm rằng, kim bạc sẽ phản ứng với lưu huỳnh để tạo ra bạc sunfua đen. Đây là lý do khi tổ chương trình thử độc bằng kim bạc trên món trứng luộc lại có kết quả như vậy.
Trong cuốn "Tẩy oan lục" do Tống Từ của Triều Tống cũng đề cập đến phương pháp "thử độc bằng kim bạc". Theo phó giáo sư Liệu, thời xa xưa, chất độc phổ biến nhất là asen, nhất là asen trioxide, hay còn gọi là thạch tín. Bạc sẽ không phản ứng khi tiếp xúc với asen có độ tinh khiết cao. Tuy nhiên, công nghệ tinh luyện cổ xưa còn hạn chế nên lượng lưu huỳnh và tạp chất sunfua trong arsenic sinh ra sẽ thay đổi một cách tự nhiên nếu sử dụng kim bạc để thử độc, kim sẽ chuyển sang màu đen.
Một chương trình khác của Trung Quốc cũng làm thí nghiệm, dùng kim bạc để kiểm tra các chất độc hại hiện đại ngày nay như thuốc trừ sâu, gan cá nóc và chất khử trùng. Sau khi có kết quả, kim bạc chỉ đổi màu khi tiếp xúc với chất khử trùng. Tuy nhiên, chất khử trùng này không chứa lưu huỳnh. Nhậm Kiến Quân - giáo sư trường Cao đẳng Nông nghiệp Bắc Kinh giải thích, ion bạc sẽ chuyển sang màu đen khi bị oxy hóa, không chỉ trong các hợp chất chứa lưu huỳnh, thành phần chính của chất khử trùng này là natri hypoclorit, là chất oxy hóa mạnh và oxy hóa các ion bạc khiến kim bạc thay đổi màu sắc.