Tại khu nghĩa địa của một ngôi làng ở phía bắc Liberia, không có bất kỳ nghi lễ trôn cất truyền thống nào được diễn ra. Không có lễ, không có tang, không có người thân và cũng không có những lời vĩnh biệt.
Thi thể nạn nhân Ebola được các nhân viên y tế đưa đi chôn cất
Họ được đưa lên những chiếc xe của đội chôn cất. Không có bất kỳ nghi lễ nào diễn ra, không có người thân đưa tang
Chẳng có gì ngoài một nhóm người mặc đồ trắng, quẳng những xác chết xuống mồ. Chỉ có những bộ quần áo họ đang mặc là tiếp xúc với thi thể người quá cố.
Họ là những thành viên của đội phản ứng với dịch Ebola của Liberia và có nhiệm vụ đặc biệt là chôn lấp bất cứ ai bị nghi ngờ đã chết vì Ebola.
Virus Ebola lay lan qua đường máu và dịch cơ thể của người nhiễm. Nó cực kỳ nguy hiểm khi vẫn có thể lan truyền từ một xác chết.
Để chống lại sự lây lan của căn bệnh này, chính quyền Liberia đã chỉ đạo người dân của mình không được chôn cất bất cứ ai đã chết hoặc bị nghi ngờ là nhiễm virus Ebola.
Trong nhiều tháng, người dân Liberia đã bỏ qua các chỉ thị, lo sợ họ sẽ bị cộng đồng của mình tẩy chay nếu thừa nhận người thân của mình bị nhiễm Ebola, nhưng tại quận Lofa – tâm điểm bùng phát dịch – tất cả mọi người đều đã chứng kiến sự tàn phá và những cái chết thương tâm do virus gây ra.
Cho đến giờ, bất cứ khi nào có người chết do nghi bị nhiễm Ebola tại cộng đồng, họ lại gọi ngay đội phản ứng Ebola đến để chôn cất các thi thể một cách an toàn.
Chôn cất an toàn
Người phụ nữ này cũng chỉ dám đứng từ xa khóc thương cho người chết
“Khi bắt đầu, điều này không dễ dàng”, Alpha Tamba, một điều phối viên của đội phản ứng nói. Để cộng đồng tiết lộ về những cái chết là điều hết sức khó khăn. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì họ đã hợp tác với lực lượng của chính quyền, chủ động tới thông báo về những người tử vong nghi do nhiễm Ebola.
Ngày hôm qua, nhóm này được gọi tới một ngôi làng, nơi có người phụ nữ chết không rõ ràng. Có thể bà ta đã chết do bị nhiễm Ebola.
Những nhân viên y tế đeo găng tay, áo, kính bảo hộ và dùng thuốc tẩy pha loãng để khử trùng. Trước khi vào nhà để mang xác chết đi, một số người đã phun thuốc tẩy xung quanh khu vực. Sau đó, họ để xác chết vào túi pylythene kín, đưa tới nơi mai táng.
Trước khi xác chết được đưa tới nghĩa địa, những thành viên trong gia đình chỉ có thể đứng nhìn và nói lời vĩnh biệt từ xa. Tất cả vì sự an toàn của những người còn sống.
Thị trấn bị bỏ rơi
Cách ngôi làng trên vài kilomet là thị trấn Zango. Hầu hết các ngôi nhà tại đây đều đã bị bỏ hoang, cả cửa sổ và cửa chính đều bị khóa. Một số cư dân đã bỏ lại thị trấn một cách vội vàng mà không kịp mang theo quần áo vẫn còn đang treo trên dây phơi.
Kazalee Johnson, một nhân viên cộng đồng nói với hãng CNN những ngôi nhà bị bỏ hoang có thể là của các nạn nhân đã chết vì Ebola hoặc những người bỏ chạy trong sự sợ hãi, sợ sẽ bị nhiễm virus.
Johnson cho biết anh đã bị mất người chị gái đang mang thai 8 tháng, em trai, cháu gái và rất nhiều, rất nhiều người khác, quá nhiều người. “Họ đã chết. Họ đã chết. Rất nhiều người đã chết vì vậy mà hàng xóm của họ đều đã bỏ đi”, Johnson nói.
Thật khó để tưởng tượng về khu vực khác tại huyện Lofa, thị trấn Barkedu, bởi nơi này còn bị dịch bệnh tấn công kinh khủng hơn. Trong số 1.000 trường hợp chết vì Ebola tại Liberia thì có tới 20% nạn nhân là của thị trấn này.
Vùng kiểm dịch
Khu nghĩa địa của các nạn nhân Ebola
Hiện có hơn 8.000 người tại thị trấn Barkedu đang bị cách ly: không ai có thể đi vào và cũng không ai có thể ra ngoài.
Số người bị cô lập tăng lên nhanh chóng. “Kể từ khi chúng tôi nhận được thông báo về những người chết do Ebola, tất cả các hoạt động đều đã ngừng lại”, ông Musa Sessay, người đứng đầu thị trấn nói. “Bởi chúng tôi làm nông nghiệp nhưng giờ lại không canh tác. Chúng tôi cần lương thực, chúng tôi thực sự cần thuốc. Nhưng thứ quan trọng nhất là thuốc thang bởi bệnh viện đã đóng cửa. Ở đây không có bất kỳ một nhân viên y tế nào”, ông nói.
Cuộc sống như vậy đang xảy ra ở hầu khắp Lofa: Con người bị giam cầm trong sợ hãi và cô độc. Thậm chí, ngay cả những nhân viên y tế cũng đang bị Ebola tàn phá. Có khi họ được gọi tới để giải quyết một trường hợp đã tử vong vì Ebola và điều họ biết được là nạn nhân ấy cũng chính là một nhân viên y tế.
Những cơn ác mộng mang tên Ebola
Các nhân viên y tế đã bị ám ảnh bởi dịch Ebola
Một trong những bệnh viện ở địa phương đã phải đóng cửa sau khi tất cả các nhân viên y tế tại đó bị nhiễm virus. Chỉ một người duy nhất sống sót.
“Rất đau lòng. Bạn đang làm việc cùng họ và nhận ra học gục ngã. Từng ngày, từng ngày, họ ngã xuống”, Tamba, nhân viên y tế thừa nhận công việc anh đang làm khiến anh rơi vào ác mộng.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi lên giường nằm và mong sẽ không thấy gì cả nhưng Ebola, Ebola, Ebola, không có gì ngoài nó”, anh thốt lên. “Rất nhiều lần tôi mơ mình nhiễm bệnh, tôi thấy mình cũng phải ở những trung tâm cách ly”.
Nhưng giữa vô vàn tin tồi tệ, Tamba cũng vẫn nghe được những tin tốt lành. Số người sống sót ngày càng tăng lên. Những người ban đầu dương tính với Ebola nhưng do họ sớm phát hiện và được cứu chữa kịp thời nên đã dần phục hồi.
Những kết quả tích cực khiến Tamba càng thêm hy vọng và tiếp tục cùng các nhân viên y tế khác giải thích cho cộng đồng cách ngăn ngừa virus lây lan. “Rất khó để đương đầu với Ebola nhưng chúng ta đang ở trong hoàn cảnh này. Chúng tôi phải làm mọi thứ để loại bỏ Ebola ra khỏi đất nước. Ở trong nhà hay chạy trốn không phải là giải phát để chống lại Ebola vì vậy chúng ta phải đối mặt. Chúng ta phải chiến đấu để xóa sổ Ebola”, Tamba nói.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo tin tức CNN)