Bảo vật quốc gia Việt Nam là một viên ruby nặng 2.160 gram, tương đương 10.800 carat. Đến nay, giá trị thực của viên đá quốc bảo vẫn còn là một ẩn số.
Tháng 4 năm 1997, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc phát hiện một khối ngọc đẹp và đắt nhất Việt nam. Theo đó, một công nhân mỏ Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã vô tình phát hiện một cục đá nặng khoảng 2,7kg , sần sùi, bám nhiều tạp chất xung quanh.
Sau khi mang viên đá về xử lý thì phát hiện đó là viên ruby. Ước tính viên ruby này nặng 2.160 gram, tương đương khoảng 10.800 carat.
Mỏ Tân Hương, Yên Bái nơi phát hiện viên ruby nặng 10.800 carat. Ảnh: Bưu điện Việt Nam |
Báo Bưu điện Việt Nam đưa tin, khối ruby khổng lồ đã ngay lập tức làm giới khoa học sửng sốt, từ trước đến giờ họ chưa tận mắt nhìn thấy một viên ruby nào có kích thước lớn như vậy. Ngay lập tức, khối ruby được Công ty đá quý và vàng Yên Bái gửi về Tổng công ty đá quý và vàng Việt Nam.
Nhà nước đã quyết định lưu giữ viên đá làm Bảo vật quốc gia theo văn bản số 5346/VPCP của Văn phòng Chính phủ. Đến nay, khối đá quý vẫn còn yên vị trong Kho bạc Nhà nước. Nó được biết đến với tên gọi “Ngôi sao Việt Nam”.
Sau nhiều năm, nhiều chuyện xung quanh số phận viên đá quý quốc bảo đã dần lắng xuống. Tuy nhiên, chuyện định giá chính xác dường như vẫn chưa đi đến hồi kết. Giá trị chính xác của viên ruby Quốc bảo vẫn còn là một bí ẩn.
Khối ruby mẹ và viên ruby con bị nứt ra. Viên ruby con nặng 290 carat đã được bán với giá 290.000 USD. Ảnh: Internet |
Chia sẻ trên báo Bưu điện Việt Nam, KS. Nguyễn Xuân An, nguyên Phó chủ tịch Tổng hội địa chất Việt Nam, cho hay, việc định giá viên ruby vô cùng khó khăn đối với các nhà khoa học trong nước.
Sau đó, một đoàn chuyên gia từ Myanmar được mời sang để đánh giá giá trị thực của viên ruby. Tuy nhiên, họ chỉ định giá được giá trị của viên ruby con nặng 290 carat. Mức giá tối thiểu của nó là 250.000 USD.
Tại một cuộc đấu giá ở Myanmar, viên ruby con đã được bán cho một thương gia với mức giá 290.000 USD.
Tuy vậy, vẫn còn khối ruby mẹ chưa thể đánh giá được giá trị do còn bị lớp tạp chất bao xung quanh. Tổng công ty đá quý & vàng Việt Nam (VIGEGO) đã tiếp tục mời một số đoàn chuyên gia đá quý sang Việt Nam định giá.
Khó khăn nằm ở lớp tạp chất xung quanh viên ruby mẹ. Nếu muốn biết giá trị thực của nó thì phải bóc tách được hết toàn bộ lớp tạp chất, song việc bóc tách dễ phá vỡ cấu trúc viên đá, làm mất đi hình dạng tự nhiên và có thể làm mất đi giá trị kinh tế của viên đá.
Qua nhiều yếu tố như vậy, song Hội đồng giám định VIGEGO chưa đủ căn cứ để ước tính giá trị của viên đá. Tuy nhiên, ngày 20/9/1999, một công văn do Chủ tịch HĐQT VIGEGO – ông Hoàng Thế Ngữ ký gửi Hội đồng giám định Bộ tài chính đã ước tính giá trị của viên đá vào khoảng 8,35 – 10,98 triệu USD.
Thông tin ghi nhận trên báo Tiền phong, vào ngày 22/9/1999, một cuộc họp có sự tham gia của KS. Nguyễn Xuân An, GS.TS Phan Trường Thị - khoa địa chất trường Đại học khoa học tự nhiên và ông Dương Bá Dũng- Giám đốc phòng kiểm định XNK đá quý đã diễn ra.
Tại đây, hội đồng giám định của Bộ tài chính đã nhận định, đây là viên đã ruby quý hiếm trên thế giới, là hiện vật đá quý lớn nhất từ trước tới nay được khai thác tại Việt Nam. Vì vậy, viên ruby không nên bóc tách, cần được giữ lại làm bảo vật quốc gia.
Hoài An (tổng hợp)