Giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm
Theo Nghị quyết Nghị quyết 114/NQ-CP của Chính phủ về dự án Luật BHXH (sửa đổi), thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu sẽ được giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Người lao động muốn được hưởng lương hưu sẽ phải đáp ứng 02 điều kiện: đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Theo luật hiện hành, thời gian đóng BHXH tối thiểu là 20 năm.
Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm sẽ tạo điều kiện cho những trường hợp người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian đóng ngắt quãng... sẽ được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu có ảnh hưởng tới lương hưu?
Theo luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi, có mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong 20 năm đóng BHXH.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nam cần 35 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa.
Còn đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2021 trở đi, thì mức lương hưu được tính tương ứng với số năm đóng BHXH. Lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH.
Sau đó, cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.
Khi giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống thì sẽ ảnh hưởng tới khoản lương hưu hàng tháng của người lao động, nhưng sẽ góp phần bao phủ, mở rộng diện được thụ hưởng Chính sách an sinh này.