Tin mới

Đã lĩnh BHXH 1 lần, có được nhận trợ cấp thất nghiệp?

Thứ bảy, 22/07/2023, 08:10 (GMT+7)

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp là hai chế độ khác nhau, được quy định bởi các văn bản khác nhau là Luật BHXH và Luật Việc làm.

Nhiều người sau khi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần mà còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ đặt ra thắc mắc: “Đã hưởng BHXH 1 lần có được truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp?”

Về vấn đề này, theo Điều 4 Luật BHXH quy định về các chế độ BHXH bắt buộc gồm: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất. Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định tại Luật Việc làm.

Như vậy, chế độ BHXH một lần và BHTN là hai chế độ bảo hiểm khác nhau.

Do đó, nếu bạn chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng BHTN mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu và cộng dồn khi bạn tiếp tục đóng BHXH, BHTN để cho lần hưởng tiếp theo khi bạn đủ điều kiện theo quy định.

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Điều 49 Luật Việc làm, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Điều kiện hưởng BHXH một lần

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ: "Người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế".

Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế quy định: "Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng BHXH một lần".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: BHXH

Chi tiết mức lương giáo viên sau khi tăng lương cơ sở từ 7/2023

Sau khi tăng lương cơ sở từ 7/2023, bảng lương của giáo viên sẽ có những thay đổi như thế nào? Cập nhật chi tiết mức lương giáo viên mầm non, tiểu học, mức lương GV THCS, THPT... chi tiết nhất.