Có ít nhất 74 bệnh nhân bạch tạng bị giết hại tại Tanzania (Châu Phi), những bệnh nhân này thậm chí bị giết là lấy các bộ phận cơ thể đem bán làm vật hiến tế, cầu may.
Ngày 25/8, một chuyên gia của Liên hợp quốc đã lên án việc ngược đãi những bệnh nhân nhỏ tuổi bị bệnh bạch tạng tại các trung tâm chăm sóc của chính phủ Tanzania. Alicia Londono, chuyên gia thuộc cơ quan Nhân quyền của Liên hợp quốc, người vừa trở về sau chuyến thanh tra ở Tanzania cho biết:
"Việc đưa những trẻ em bị bệnh vào các trung tâm chăm sóc là một giải pháp mang tính bảo vệ và ban đầu được hoan nghênh. Tuy nhiên, điều kiện chăm sóc ở các trung tâm này thật tồi tệ. Ở đó luôn luôn chật ních người và điều kiện vệ sinh cũng rất kém. Có nhiều vụ ngược đãi xảy ra ở các trung tâm này, thậm chí cả lạm dụng tình dục."
Một bé trai bị bệnh bạch tạng tại một trường học ở Mwanza, Tanzania. Ảnh chụp năm 2009. (Nguồn: AFP) |
Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong số 23 trung tâm chăm sóc trẻ em ở Tanzania, có 13 trung tâm chăm sóc những trẻ em bị bệnh bạch tạng. Những đứa trẻ này thường xuyên bị buộc phải rời xa gia đình và không được phép có bất cứ liên lạc nào với người thân.
"Lũ trẻ giống như những kẻ ngoài lề xã hội vậy. Ở nhiều nơi, thậm chí người ta còn không coi chúng là con người", bà Londono cho biết.
Theo bà Londono, việc cách ly những đứa trẻ này khỏi cộng đồng không phải là cách giải quyết. Nhưng nếu đóng cửa những trung tâm chăm sóc, lũ trẻ sẽ không thể thoát khỏi bàn tay của những kẻ tự xưng là thầy pháp hay những kẻ buôn nội tạng. Vấn đề cấp thiết lúc này là phải cải thiện điều kiện chăm sóc ở các trung tâm nói trên.
Bệnh bạch tạng là một dạng đột biến gen gây ra sự biến mất hoàn toàn sắc tố ở da, tóc và mắt. Ở Tanzania, cứ 1.400 người thì có một người mắc bệnh bạch tạng, thường là bẩm sinh, trong khi tỉ lệ này ở các nước phương Tây chỉ là 1/20.000.
Những kẻ giết hại các bệnh nhân bạch tạng rất hiếm khi bị xử tội ở Tanzania hay bất cứ quốc gia châu Phi nào trong khu vực vùng Hồ Lớn. Và những vụ tấn công này lại đang có xu hướng tăng lên bởi tháng 10/2015 tới sẽ là lúc tiến hành cuộc bầu cử tổng thống ở Tanzania, và những người tham gia vận động tranh cử sẽ có nhu cầu tìm đến những thầy pháp để nhận sự hỗ trợ. Thông thường ở đây, những bộ phận cơ thể của người bệnh bạch tạng được bán với giá khoảng 600 USD, còn giá toàn bộ thi thể có thể lên đến 75.000 USD.
Từ năm 2000, đã có ít nhất 74 bệnh nhân bạch tạng bị giết hại tại quốc gia châu Phi này. Sau khi số người bị giết lên đến đỉnh điểm vào năm 2009, chính phủ đã đưa những đứa trẻ vào các trung tâm chăm sóc trẻ em trong nỗ lực tuyệt vọng để bảo vệ chúng.
Dã Quỳ (Theo ABCnews)
Theo Nguoiduatin.vn