Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 5629/KH-SYT vể việc triển khai phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần ngành Y tế Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025.
Kế hoạch với mục đích bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố. Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh lý rối loạn sức khỏe tâm thần, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Thành phố đưa ra các mục tiêu cụ thể như sau:
-Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện các Chính sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
-Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
-Tăng tỉ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
-Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để đảm bảo cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
-Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tô nguy cơ.
Đáng chú ý, ở mục tiêu thứ 2 về “Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần”, Kế hoạch đưa ra các mục tiêu rất cụ thể và được đánh giá là khó thực hiện. Cụ thể như:
Giảm tỉ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%; ở người 13-17 tuổi còn dưới 20%.
Giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37%.
Giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 7 gam/ người/ ngày.
Giảm tỉ lệ thiếu vận động thể lực ở người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 22%...
Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu một số mục tiêu đáng chú ý như: ít nhất 70% người phát hiện thừa cân, béo phì được thực hiện các biện pháp tư vấn kiểm soát thừa cân, béo phì phù hợp; ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia; ít nhất 55% người mắc đái tháo đường được phát hiện…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, để triển khai đạt được các mục tiêu nói trên, Sở Y tế Hà Nội đã đề ra 6 nhóm giải pháp cụ thể và cũng đã giao nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị trong ngành.