Theo tin tức từ Thanh niên và Lao động, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội sáng 13/4, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, để phòng dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế cần thông tin đến các hiệu thuốc về trách nhiệm báo cáo với chính quyền sở tại những trường hợp "mua thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sốt trong thời gian qua"; đồng thời đề nghị những người này "khai báo y tế ngay lập tức".
“Nếu hiệu thuốc nào mà có những người sốt, ho đến mua thuốc mà để sót các trường hợp này, thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì đây là nhiệm vụ tham gia công tác phòng chống dịch, số người này là quan trọng, những người này không khai báo y tế, không báo cho y tế của phường thì sau này có thể tước giấy phép vĩnh viễn”, ông Chung nói.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Việt Nam nói riêng và Hà Nội nói chung có một thói quen “chết người” là tự trị bệnh; thấy ho, sốt là chạy ra hiệu thuốc và sẽ được bán thuốc ngay, không cần đơn của bác sĩ. Vì thói quen này, hệ thống y tế không giám sát được những ca ho, sốt tại cộng đồng như các nước khác.
“Chúng ta đã khuyến cáo tất cả người dân có triệu chứng đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, nhưng khuyến cáo người dân cũng khó, vì họ không có chuyên môn. Bây giờ ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở y tế, hiệu thuốc, bởi vì ít có bệnh, ít nhiều người dân sẽ tìm đến các cơ sở này”, theo ông Chung.
Bên cạnh đó, theo PGS - TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, toàn thành phố không làm được việc xét nghiệm toàn bộ người sốt, ho, đau họng, thì làm ở bước thấp hơn là phải giám sát toàn bộ chùm ca bệnh (2 người trở lên) có triệu chứng sốt, ho, đau họng không rõ nguyên nhân, có thể trong cùng gia đình, cùng khu phố… mà không cần có yếu tố dịch tễ gì cả.