Đền Đức Thánh Nhì ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) hiện đang có 2 “khối vàng ròng lộ thiên” là 2 gốc sưa, mỗi gốc được định giá hơn 100 tỉ đồng
2 cây sưa mua được vạn trâu bò, thả ra đồng đông như muỗi
Chia sẻ trên VTC, cụ Thường – một người trong làng Phụ Chính - cho hay, đã đi xem nhiều cây sưa, từ “vườn sưa” ở gò Đống Đa, “đồi sưa” trong công viên Bách Thảo, “ngọn núi sưa” ở Kim Bảng (Hà Nam), đến cây sưa khổng lồ ở đền Chóa (Yên Phong, Bắc Ninh), song chưa từng thấy cây sưa nào lớn, già cỗi như thế.
Toàn bộ thân cây bị bao phủ bởi một lớp tầm gửi, da nứt nẻ, chỗ mốc trắng, chỗ đen xì. Cụ Thường chỉ vết cưa một cành ở giữa thân cây, tôi thấy giữa cành có một cái lỗ, to như ống điếu cày. Cụ bảo, đó là minh chứng của sự mục ruỗng.
Cây sưa có giá trăm tỉ ngay cổng ngôi đền cổ. Ảnh: VTC |
|
Gốc sưa lớn, 2 người ôm không xuể. Ảnh: VTC |
Theo cụ Thường, đường kính thân phía dưới gốc cây sưa này cỡ 1m. Các cụ chẳng có ý định hạ cây để bán, nhưng giới buôn gỗ sưa ngắm nghía qua, cũng tính được lượng gỗ của nó, kể cả cành, rễ chừng 10 mét khối, tức khoảng 12 ngàn kg.
Chỉ cần tính theo giá mua bán 2 cành sưa vào năm 2010, là 11 triệu đồng/kg, thì cây sưa này phải có giá hơn 100 tỷ đồng! Người dân Phụ Chính nói vui, nếu đốn cây sưa này đem bán, thì mua được một vạn con trâu bò, thả ra đồng nhung nhúc như muỗi, đủ chia cho mỗi hộ vài chục con. Nếu đem tiền chia cho các hộ gia đình, thì làng Phụ Chính biến thành tỷ phú hết. Quả là một nguồn lợi lớn không thể tưởng tượng được.
Đấy là chưa kể cây sưa ở phía trong, cách cây sưa khổng lồ này hơn 10m. Cây sưa này tuy không già cỗi, vằn vện bằng cây sưa trước cửa chùa, song cũng phải 1,5 người ôm mới xuể. Giới buôn bán sưa cũng định giá nó tới 50 tỷ đồng.
Như vậy, ngôi đền Đức Thánh Nhì có tới 2 “cây vàng” trị giá khoảng 150 tỷ đồng, khiến sưa tặc thèm khát và cũng khiến người dân làng Phụ Chính “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Cả làng chia nhau canh gác, bảo vệ sưa trăm tỉ
Năm 2010, khi một số cành sưa gẫy đổ vì mưa bão, các cụ già trong thôn đã tổ chức họp bàn với dân làng khai thác thêm phần cành sưa già cỗi bán đấu giá lấy tiền sửa chùa và một số công trình phúc lợi khác.
Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn T. ở làng Đồng Kị (Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng.
|
Cây sưa được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Vietnamnet |
Sau thương vụ 20,5 tỷ đồng, Phụ Chính không có lấy một ngày yên ả. Hai cụ sưa chẳng khác gì khối vàng ròng nằm tênh hênh trước ngồi đền Đức Thánh Nhì.
Sưa tặc chính hiệu từ khắp nơi kéo về đêm ngày phục kích chờ dân làng sơ hở. Làng Phụ Chính một mặt cắt cử người trong thôn luân phiên nhau canh gác 24/24, một mặt xây tường bao chung quanh gốc cây để bảo vệ. Không một giây phút dám lơ là, ấy vậy mà đám sưa tặc vẫn không chịu thua.
Theo Vietnamnet, đã có lần, nửa đêm về sáng, bọn sưa tặc kéo đến định hạ cây, nhưng các cụ phát hiện ra ngay, tri hô cả làng ra đuổi. Bọn trộm chạy bán sống bán chết, không thấy quay lại lần nào nữa.
Người làng kể, cách đây 3 năm, đêm 29/10/2012 cơn bão Sơn Tinh càn quét qua làng Phụ Chính, mưa lớn, gió giật, sấm chớp đùng đùng. Lợi dụng lúc dân làng tập trung chống bão sưa tặc quyết định hành động. Cửa khóa cổng vào ngôi đền bị cắt, hàng rào bê tông quanh gốc sưa bị đập tan tành… Phải đến sáng sớm, khi cơn bão đi qua, người làng mới phát hiện một trong hai nhánh ở cây sưa lớn hơn bị cắt trộm.
Ngọn cụ sưa cụt lủn, dưới gốc một đống mùn cưa thẫm màu như máu. Bên cạnh còn sót lại ngọn sưa dài tầm 3m mà không biết do động hay không thể khuân hết mà đám sưa tặc buộc phải bỏ lại.
Cũng theo Vietnamnet, sau vụ trên, dân làng quyết định mỗi đêm thuê hai người khỏe mạnh, mỗi người 100 ngàn đồng ngủ ngay tại đền Đức Thánh Nhì để bảo vệ. Hàng rào bằng bê tông cũng được dỡ bỏ, thay vào đó là những thanh sắt hàn thành hình lồng bao bọc quanh gốc sưa hệt như những chiếc giáp khổng lồ.
Trong đền đặt một chiếc trống, hễ có động tĩnh gì thì gióng báo ngay. Riêng phần ngọn sưa mà đám trộm cắp bỏ lại ban đầu được cất giữ bằng cách thay nhau trông.
Dần dà cảm thấy không an toàn nên người làng quyết định xây riêng một cái kho dạng như mật thất ở nhà văn hóa thôn để bảo vệ. Lối vào mật thất được bịt kín bằng tường bê tông. Người làng đã có quyết định, bao giờ có việc dùng đến sẽ cho phá dỡ mật thất này để lấy ra.
Khoảng một năm trở lại đây tình hình có vẻ tạm yên, nhưng bất cứ người lạ nào ra vào dân làng đều phải cử người theo dõi.
Nam Nam (Tổng hợp)