Cảnh sát Ấn Độ hôm 21/10 đã bắt 4 người đàn ông bị tình nghi đã thiêu sống hai đứa trẻ được cho là thuộc đẳng cấp thấp. Sự việc đã gây ra một cuộc biểu tình phong tỏa tuyến đường cao tốc huyết mạch để phản đối.
Reuters dẫn thông báo từ cảnh sát địa phương cho biết, một nhóm đàn ông đã giết chết hai đứa trẻ gồm bé gái 8 tháng tuổi và bé trai hai tuổi bằng cách châm xăng thiêu rụi ngôi nhà của các em ở quận Ballabhgarh, cách thủ đô New Delhi khoảng 50 km. Cha mẹ hai bé cũng bị thương, đặc biệt người mẹ đang trong tình trạng nguy kịch.
Căn nhà bị tưới xăng và đốt vào khoảng hai giờ sáng ngày 20/10. Ảnh: BBC. |
Jitender Kumar, 27 tuổi, bố của hai em nhỏ, kể với hãng tin PTI: “Chúng tôi đang ngủ thì họ đổ xăng qua cửa sổ. Tôi ngửi thấy mùi xăng và cố gắng đánh thức vợ nhưng lúc đó lửa bốc cháy dữ dội. Các con tôi chết trong đám cháy. Trước đó, mấy người đó từng đe dọa sẽ giết cả nhà tôi. Lẽ ra tôi không nên trở về làng”.
Subhash Yadav, quan chức cảnh sát ở thị trấn Faridabad nói rằng, vụ tấn công có khả năng xuất phát từ tranh chấp tồn tại từ lâu giữa nhóm người đẳng cấp thấp Dalit và đẳng cấp cao Rajput trong vùng. Cha mẹ hai em cũng được cho là thuộc tầng lớp thấp kém trong hệ thống phân cấp xã hội tồn tại hàng nghìn năm nay ở Ấn Độ.
Jitender Kumar - bố của hai trẻ thiệt mạng Ảnh: BBC. |
Trong khi đó, ông Jawahar Yadav, quan chức thuộc văn phòng thống đốc bang Harayana lại cho rằng, nguyên nhân dẫn tới vụ việc là do một mối hiềm khích gia đình, không liên quan đến xung đột đẳng cấp.
Hai người đàn ông hôm qua mang thi thể của những đứa trẻ được liệm trong vải trắng tham gia đoàn biểu tình của khoảng 1.000 người, chặn đứng tuyến đường cao tốc chính ở thành phố Agra dẫn tới đền Taj Mahal. Họ yêu cầu chính quyền phải nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc.
Người dân chặn các ngả đường qua Faridabad để biểu tình phản đối. Ảnh: BBC. |
Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại đối lập, đã tới thăm nơi xảy ra vụ tấn công. Ông Gandhi cho rằng cái chết của 2 đứa trẻ ở Faridabad bắt nguồn từ “thái độ của Thủ tướng Narendra Modi”, là người đã khơi mào cho quan điểm "nếu ai đó yếu thế, người đó có thể bị đè nát”.
Lê Huyền (tổng hợp)