Nếu ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì đừng mơ ngoại giao với Triều Tiên - chuyên gia Troy Stangarone khẳng định trên Diplomat.
Xét bề nổi, thỏa thuận hạt nhân Iran (tên đầy đủ: Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) có vẻ không hề liên quan tới Triều Tiên, tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận thì điều đó có thể khép lại triển vọng đạt được giải pháp với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
3 lựa chọn để giải quyết "nỗi xấu hổ"
Các quan chức trong buổi đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ảnh: Dragan Tatic |
Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới đây, ông Trump gọi thỏa thuận này là "nỗi xấu hổ".
Sau khi chính quyền Mỹ xác nhận Iran tuân thủ JCPOA hồi tháng 7, ông Trump đã chỉ đạo một nhóm cố vấn thân cận bày ra một tình thế nhằm không chứng thực cho Iran khi hạn chót tiếp theo tới vào ngày 15/10.
Và thời điểm này, khi ngày quan trọng đó sắp tới, ông Trump có 3 lựa chọn: Tiếp tục chứng thực Iran tuân thủ JCPOA, báo cho Quốc hội Mỹ rằng Iran không tuân thủ, hoặc báo cho Quốc hội Mỹ rằng JCPOA không còn nằm trong lợi ích quốc gia Mỹ.
Cách thứ 2 - báo cho Quốc hội Mỹ rằng Iran không tuân thủ thỏa thuận - có vẻ không phải một lựa chọn khả thi bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các bên liên quan tới nhóm P5+1 đều đã nhất trí rằng: Iran đáp ứng tất cả những giao ước của JCPOA.
Tổng thống Mỹ có thể chọn cách phớt lờ sự tuân thủ của Iran và rút khỏi thỏa thuận, tuy nhiên, Washington sẽ không nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế nếu muốn khôi phục cấm vận nhằm vào Tehran.
Vậy là còn lại một lựa chọn:Thông báo với Quốc hội rằng thỏa thuận không còn phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Nếu ông Trump chọn phương án này, JCPOA vẫn có hiệu lực và vấn đề sẽ được chuyển cho Quốc hội Mỹ.
Lưỡng viện sẽ có 60 ngày để quyết định xem có áp lại cấm vận nhằm vào Iran không. Nếu quyết định là có, Mỹ sẽ vi phạm thỏa thuận đặt ra. Lúc này, chính quyền Mỹ sẽ phải đề nghị Quốc hội không khôi phục cấm vận, mà sử dụng đó làm phương tiện đe dọa để tạo áp lực, buộc Iran tái đàm phán.
"Hệ tham chiếu" cho Triều Tiên
Dù thỏa thuận hạt nhân Iran không liên quan trực tiếp tới vấn đề Triều Tiên nhưng cách mà chính quyền Mỹ xử lý vấn đề (Iran) vẫn sẽ tạo bối cảnh cho các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng (nếu có).
Nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận, lựa chọn này sẽ cho thấy: Mỹ không phải là đối tác đàm phán đáng tin cậy. Mỹ làm như vậy không phải vì Iran "nuốt lời" mà vì Mỹ không hài lòng với Chính sách của Iran trong các vấn đề khác, không liên quan tới JCPOA.
Thay vì chọn cách phối hợp với Iran để giải quyết những mối lo ngại của mình, Mỹ lại chọn cách dùng thỏa thuận hiện tại làm đòn bẩy.
Trong suốt 30 năm qua, người ta luôn quan ngại một điều: Triều Tiên không đáng tin trong việc giữ thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi JCPOA thì động thái này sẽ khiến Bình Nhưỡng nghĩ rằng, thỏa thuận với chính quyền Trump không đáng, bởi một chính quyền mới sẽ lại bắt Bình Nhưỡng đàm phán lại, kể cả khi họ tuân thủ đầy đủ.
Thúc đẩy việc sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng sẽ khiến nỗ lực đạt thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên xa vời.
Trước đây, Bình Nhưỡng từng từ chối thỏa thuận "theo kiểu Iran". Triều Tiên muốn những điều kiện dành cho mình có lợi hơn. Vậy nên, sửa đổi thỏa thuận JCPOA theo hướng hà khắc hơn sẽ chỉ nới rộng khoảng cách giữa thứ mà Mỹ có thể trao và thứ mà Triều Tiên có thể nhận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh minh họa: Dailystar |
Quyết định này sẽ vùi dập một cơ hội dành cho Washington.
Chính quyền ông Trump đã tìm cách thuyết phục các nước cắt quan hệ với Triều Tiên. Tuy nhiên, thay vì nỗ lực xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Iran, từ đó thuyết phục Iran gia tăng khoảng cách với Bình Nhưỡng thì Mỹ lại tính đến con đường dẫn tới chấm dứt JCPOA và điều này có nguy cơ khiến Triều Tiên, Iran xích lại gần nhau hơn.
Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ đem tới nhiều hệ lụy vượt ra khỏi vấn đề Triều Tiên. Nếu thỏa thuận với Mỹ dễ thay đổi như việc thay đổi một chính quyền thì các nước sẽ không còn muốn cùng Mỹ giải quyết các vấn đề quốc tế.
Nếu Mỹ từ bỏ JCPOA, thì nước này sẽ đồng thời phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn, đòi hỏi sự hợp tác từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, lúc này, khả năng Mỹ huy động được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ không cao.
Thay vì tuyên bố JCPOA không phục vụ cho lợi ích quốc gia Mỹ, có lẽ Tổng thống Trump nên chuyển hướng mối lo ngại và quan tâm của mình từ Iran sang đàm phán một thỏa thuận toàn diện hơn với Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều đó chỉ khả thi nếu Mỹ là một quốc gia biết giữ lời.