Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang bị làm trầm trọng thêm bởi các hành động và lời nói của cả Triều Tiên và Mỹ, Hàn Quốc đã xây dựng lá chắn bí mật để chống lại sự tấn công từ nhà lãnh đạo Triều Tiên và cứu người dân tránh khỏi Thế chiến III.
Tổng thống Hàn Quốc đã có những đáp trả cứng rắn hơn với chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: PV |
Theo tờ DailyStar của Anh, giới chức Hàn Quốc cho biết, nước này đã xây dựng lá chắn bí mật để chống lại cuộc tấn công bằng vũ khí xung điện từ (EMP).
Nguyên tắc hoạt động của vũ khí EMP là khi phát nổ sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn làm đoản mạch và vô hiệu hóa mạng lưới điện cũng như và phá hủy các thiết bị điện tử trong phạm vi tác chiến. Đặc biệt, khi được kích nổ ở vùng không khí loãng trên khí quyển, sức công phá của EMP được tăng lên đáng kể.
DailyStar dẫn lời một quan chức hàng đầu của Hàn Quốc tiết lộ, Seoul đang phát triển một lá chắn EMP, để bảo vệ và chống lại kịch bản ác mộng có thể đến từ Triều Tiên.
Ngày 9/10, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa ra cảnh báo: Triều Tiên có thể sử dụng "bom điện từ" để làm tê liệt hệ thống liên lạc, mạng lưới điện và từ đó dẫn đến làm tê liệt hệ thống tài chính của Hàn Quốc. EMP Triều Tiên một khi được phát động sẽ gây ra sức tàn phá vô cùng lớn đối với cả nước Mỹ.
Để đáp trả, Seoul cũng đang phát triển các công nghệ sản xuất bom bằng sợi than chì có khả năng làm tê liệt nguồn cung cấp năng lượng của Triều Tiên trong trường hợp chiến tranh.
Loại vũ khí này là một phần trong chiến lược “Chuỗi tiêu diệt” mà Hàn Quốc xây dựng để đề phòng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra.
"Bom cắt điện" được Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) nghiên cứu chế tạo là một phần quan trọng chương trình tấn công phủ đầu của Seoul", hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết.
Trước đó, hồi tháng 7/2017, tiến sĩ Peter Vincent Pry, giám đốc diễn đàn Chiến lược hạt nhân Mỹ, EMP Triều Tiên sẽ kéo lui nước Mỹ vài thế kỷ, khi chưa có điện, máy lạnh, điện thoại thông minh và có thể giết hại 90% dân số Mỹ trong vòng 2 năm.
"Nếu không có điện, chúng ta sẽ trở về một thời kỳ khác nơi mà đa số người dân Mỹ không có đủ năng lực và kinh nghiệm cần thiết để tồn tại và duy trì sự sống", ông Pry nhấn mạnh.
Hôm 8/10, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng muốn đề cập tới giải pháp quân sự khi ông này cho rằng “chỉ có một cách duy nhất” nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế và mối đe dọa tiềm tàng của một cuộc xung đột vũ trang với Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã củng cố quyền lực vào cuối tuần qua bằng cách trao cho em gái của ông một chức vụ chính trị hàng đầu.
Ngoài ra, trong số những người được bổ nhiệm còn lại còn có ông Kim Jong Sik và Ri Pyong Chol - 2 nhân vật chủ chốt đứng sau chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang bị làm trầm trọng thêm bởi các hành động và lời nói của cả Triều Tiên và Mỹ. Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân bất chấp mọi lời cảnh báo, đe dọa của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc dù biết rằng đây là vấn đề nhạy cảm, dễ gây kích động với Bình Nhưỡng.
Để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên, Nga và Trung Quốc từng đề xuất kế hoạch “chấm dứt kép”, theo đó Bình Nhưỡng được yêu cầu ngừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung. Đề xuất trên bị Mỹ nhanh chóng bác bỏ với lý do nước này có toàn quyền thực hiện những cuộc tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc.
Đức Hòa (tổng hợp)