Lãnh đạo Hàn - Triều đã tiến hành đàm phán từ chiều 23/8 đến tận sáng sớm hôm nay, 24/8. Tuy đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đàm phán nhưng việc Bình Nhưỡng huy động lực lượng đã bị Seoul lên án là "tráo trở, hai mặt".
Ông Kim Kwan-jin, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc |
Theo tin tức từ Reuters, cuộc đàm phán từ tối 22/8 đã bị ngưng lại rồi được nối lại vào chiều 23/8 và kéo dài 10 tiếng đồng hồ cho tới tận sáng sớm 24/8.
Đây được đánh giá là cuộc gặp kéo dài bất thường tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), thể hiện nỗ lực xuống thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Hòa đàm ngày 22/8 thất bại do đã tăng gấp đôi sức mạnh pháo binh thông thường tại biên giới và điều hơn 50 tàu ngầm rời khỏi căn cứ.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên Triều Tiên huy động tàu ngầm nhiều gấp 10 lần bình thường tới khu vực phía nam kể từ sau khi chiến tranh liên Triều kết thúc (1950-1953). Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tăng cường theo dõi tình hình để phản ứng kịp thời.
Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc lên án Bình Nhưỡng "tráo trở, hai mặt: Vừa đàm phán vừa huy động lực lượng".
Phái đoàn Hàn - Triều gặp nhau tại Bàn Môn Điếm hôm 22/8. |
Sau 10 tiếng đàm phán gián đoạn, hai phái đoàn Hàn - Triều đã gặp lại nhau vào trưa 23/8. Phía Hàn Quốc có cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-jin, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hong Yong-pyo. Đại diện Triều Tiên có trợ lý quân sự cho lãnh đạo Kim Jong-un, ông Hwang Pyong-so.
Theo các chuyên gia, 2 nước sẽ phải đạt được thỏa thuận nào đó để xoa dịu căng thẳng. Nhà Xanh cũng thông báo 2 bên sẽ "tiếp tục xóa bớt xung khắc". Phía Triều Tiên cũng có những thay đổi tích cực. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đã không dùng "bù nhìn Nam Triều Tiên" nữa mà là "Đại Hàn Dân Quốc".
Bảo Linh (tổng hợp)