Chiếc cặp da màu đen bí ẩn - vật bất ly thân của Trump có "quyền năng" cho phép người đứng đầu Nhà Trắng phát động một cuộc tấn công hạt nhân khi không có mặt tại trung tâm chỉ huy cố định.
Business Insider cho hay chiếc cặp da mày đen bí ẩn- vật bất ly thân của Trump là một trong những điều khiến nhiều người chú ý mỗi chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng.
Theo đó, dù ngồi trên xe riêng, đi trong thang máy hay đáp chuyên cơ Air Force One công du nước ngoài, chiếc cặp hạt nhân không bao giờ nằm ngoài tầm với của người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump.
Chiếc cặp hạt nhân bất ly thân. Ảnh: Vnexpress |
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội để họp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27 - 28/2.
"Chúng tôi cần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi", Pete Metzger, người nhận trọng trách mang cặp hạt nhân dưới thời cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nói. "Khoảng cách giữa thời điểm báo động và thực thi rất ngắn", chưa đầy 15 phút trong trường hợp khẩn cấp, ông Metzger cho hay.
Chiếc cặp da đen này có biệt danh là "quả bóng hạt nhân" xuất phát từ tên một kế hoạch chiến tranh hạt nhân có tên là Dropkick (cú đá bóng bật nẩy).
Chiếc cặp này chứa 4 thứ gồm tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phát sóng khẩn cấp, một cuốn sổ đen có các lựa chọn tấn công, một cuốn sổ có vị trí các điểm ẩn nấp an toàn cho tổng thống và một thẻ có mã xác thực để tổng thống xác nhận danh tính.
Cặp này do một trong 5 trợ lý quân sự giữ và người này phải luôn ở gần tổng thống. 5 trợ lý quân sự phải vượt qua bài kiểm tra an ninh đặc biệt có tên gọi "Yankee White". Trợ lý quân sự phải là công dân Mỹ và có lòng trung thành tuyệt đối với đất nước, thân nhân không chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.
Nếu như muốn xác nhận triển khai một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ sẽ phải dùng đến tấm thẻ xác thực và cần được Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận. Bộ trưởng Quốc phòng không được phủ quyết quyết định của tổng thống.
Người đứng đầu Nhà Trắng nắm quyền kích hoạt khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân, được bố trí tại rất nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu.
Một số nằm sâu dưới các hầm ngầm ở Montana, Bắc Dakota, Wyoming, Nebraska hay Colorado. Số khác đi theo các tàu ngầm hạt nhân Mỹ tuần tra ở Bắc Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương.
Nhiều đầu đạn lại đang trong trạng thái sẵn sàng, chỉ chờ để gắn lên các chiến đấu cơ Mỹ đóng tại Missouri, Bắc Dakota, Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Di (tổng hợp)