Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc mới đây đã ra thông báo, Ủy viên Trung ương khóa 18, nguyên Bí thư tỉnh ủy Cam Túc chính thức bị điều tra do có dấu hiệu "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng"-cụm từ được dùng để chỉ hành vi tham nhũng.
Ủy viên Trung ương khóa 18, nguyên Bí thư tỉnh ủy Cam Túc Vương Tam Vận là Ủy viên trung ương thứ 15 bị điều tra khi còn tại chức.
Giới chuyên gia nhận định, tuy chức vụ khi bị bắt giữ điều tra của Vương Tam Vận là phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, văn hóa, giáo dục của quốc hội nhưng thời gian tại vị trên ghế này chỉ 75 ngày nên "vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" khiến ông Vương "ngã ngựa" là trong khi giữ chức Bí thư tỉnh ủy Cam Túc (giai đoạn 12/2011-4/2017).
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Ủy viên thường vụ, phó Tỉnh trưởng thường trực Cam Túc, ông Ngu Hải Yến cũng đã bị cách chức, khai trừ đảng và bị điều tra vì tội tham nhũng.
Vương Tam Vận khi còn là Bí thư tỉnh ủy Cam Túc. |
Sau khi Ngu Hải Yến "lọt lưới", hàng chục cán bộ cấp sở cũng đã bị "sờ gáy". Theo truyền thông địa phương, một số người đã nhảy sông tự vẫn vì lo lắng bị điều tra đã gây chấn động dư luận. Cho đến khi Vương Tam Vận chính thức bị điều tra, điều này có thể thấy, quan trường Cam Túc đã quá mức mục rỗng.
Việc ngã ngựa của Vương xảy ra sau khi Tổ thanh tra số 3 thuộc Trung ương tiến hành tái thanh tra tính Cam Túc từ ngày 8/11/2016 đến 6/1/2017.
Theo báo cáo kết quả thanh tra, tổ thanh tra có nhắc đến việc họ nhận được "một số manh mối phản ánh hành vi vi phạm của các cán bộ lãnh đạo. Câu văn tưởng chừng như bình thường những hàm chứa ý nghĩa đặc biệt, "những lời của Tổ thanh tra hoàn toàn không phải chỉ là nói suông! Đầu năm nay, Ngu Hải Yến, Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng Cam Túc đã trở thành “Hổ” tham nhũng đầu tiên ở Cam Túc bị quật ngã, mà Ngu Hải Yến được vào Ban thường vụ tỉnh ủy chỉ 5 tháng sau khi Vương Tam Vận về làm Bí thư Cam Túc.
Vương Tam Vận sinh năm 1952, vốn là một thanh niên trí thức ở Sươn Đông. Bắt đầu từ năm 16 tuổi, Vương đã dạy học tại một trường trung học ở Quý Châu. Năm 1974, Vương bắt đầu theo học tại Học viện sư phạm Quý Dương.
Sau khi tốt nghiệp, Vương chính thức đi theo con đường chính trị với khởi điểm khá cao-Thư ký Ban Tổ chức tỉnh ủy Quý Châu sau đó lên chức Bí thư thành ủy Quý Dương. Tháng 10/1988, Vương đã được thăng chức lên phó Bí thư tỉnh ủy Quý Châu. Sau đó, Vương công tác liên tục ở Quý Châu trong 30 năm.
10 năm sau đó, Vương lần lượt được chuyển lên giữ chức Phó Bí thư các tỉnh Tứ Xuyên, Phúc Kiến, An Huy, trong đó giữ chức Tỉnh trưởng An Huy 4 năm. Tháng 12/2011, Vương được chuyển làm Bí thư tỉnh ủy Cam Túc, đầu năm 2012 kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh, vào trung ương tại Đại hội 18 (11/2012. Ngày 27/4/2017 thì được điều về Bắc Kinh làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, văn hóa, giáo dục của quốc hội.
Theo báo chí địa phương, một ông chủ địa ốc đã theo chân Vương từ An Huy lên Cam Túc kinh doanh, được Ngu Hải Yến "chống lưng" chiếm được khu đất vàng ở Lan Châu. Vương khi đó bắt đầu đưa quan hệ "gian thương" vào Cam Túc và móc nối quan hệ làm ăn với các quan chức bản địa. Vì vậy, Ngu ngã ngựa, Vương cũng khó thoát.
Nghiêm Thu (Tân Hoa xã)