Một phụ nữ Sudan mới đây đã bị tuyên án tử hình sau khi giết chết người đã hiếp dâm mình. Đó là Noura Hussein, 19 tuổi.
Theo đó, nhóm pháp lý làm việc thay mặt cho Noura Hussenin hôm 31/5 đã nộp đơn kháng án đối với bản án tử hình do Tòa án Sudan đưa ra vào 15 ngày trước.
Cùng với đó, một nhóm đơn thỉnh cầu đã kêu gọi tha thứ cho cô gái đạt tới 1 triệu chữ ký cũng đã được gửi đến tòa.
Khá nhiều nhân vật cao cấp và giới nghệ sĩ đã tham gia vào chiến dịch để có thể thay đổi phán quyết của phiên tòa, trong đó có cựu Thủ tướng Úc Julia Gillard; người mẫu Naomi Campbell; các diễn viên: Mira Sorvino, Emma Watson và Rose McGowan.
Noura Hussein nói với tờ Guardian từ nhà tù ở thành phố Omdurman rằng nếu được ân xá, cô sẽ ghi danh học luật để giúp đỡ người khác.
Trường hợp của Noura Hussein đã nhấn mạnh vấn đề hôn nhân cưỡng bức, bao gồm trẻ vị thành niên và quyền của phụ nữ trong hệ thống tòa án Sudan.
16 tuổi, Noura Hussein bị gia đình ép phải kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi, và cô đã bỏ trốn đến nương náu tại nhà của một người dì.
Nhưng sau 3 năm, Noura Hussein bị lừa về nhà bởi chính gia đình của cô, những người sau đó đã bắt cô mang tới cho gia đình chồng.
Theo những người ủng hộ Noura Hussein - trong đó có nhóm hoạt động bình đẳng, đang ủng hộ một bản kiến nghị được tổ chức nhân danh cô - Noura Hussein Hussein đã ở bên chồng trong 6 ngày, ông ta đã hãm hiếp cô với sự giúp đỡ của em trai ông cùng những người thân, và một nhân chứng.
Khi ông ta cố gắng cưỡng hiếp cô một lần nữa vào ngày hôm sau, cô đã đâm chết chồng mình sau đó bỏ chạy về nhà cha mẹ ruột, người đã dẫn cô giao nộp cho cảnh sát.
Một trong những luật sư của cô, Ahmer Sibair, cho biết hôn nhân cưỡng bức là một vấn đề quen thuộc ở Sudan. “Các cô gái và phụ nữ bị kết hôn cưỡng bức là phổ biến ở Sudan, và nó gây ra rất nhiều vấn đề.
Họ kết hôn với một cô gái khi còn bé và không có sự đồng ý của cô ấy, và rất nhiều người trong số họ đã mất cơ hội được giáo dục”. Sibiar nói rằng Noura, mặc dù cô ấy có vẻ "mạnh mẽ và mạch lạc", nhưng “không hiểu tình hình của cô ấy".
Các nhà hoạt động đã hỗ trợ cô trong quá trình xét xử. Tổ chức hoạt động nữ quyền Equality Now đã làm việc với một đối tác địa phương ở Sudan và phát hành một bản sao của kháng cáo, cho rằng Noura Hussein là nạn nhân của vụ việc và trong trường hợp cô giết người chỉ để tự bảo vệ mình.
"Noura là một nạn nhân của hôn nhân trẻ em, hôn nhân cưỡng bức, cưỡng hiếp và từ chối công lý", nhóm pháp lý của cô cho biết trong một tuyên bố.
“…Hiện cô ấy đang trên bờ vực mất mạng chỉ để bảo vệ mình khỏi bạo lực, nơi mà luật pháp, truyền thống và văn hóa đã đẩy cô đến bước đường cùng.
Trường hợp Noura nói riêng, phụ nữ và trẻ em gái ở Sudan nói chung thường bị đối xử như những món hàng, được giao dịch và gả bán…và họ không có quyền với chính bản thân họ.
Chúng tôi muốn đứng lên chống lại những kẻ phạm tội, những người săn bắt trẻ em và phụ nữ, và mong muốn họ được bảo vệ bởi luật pháp", thông cáo viết.
Minh Di (tổng hợp)