Đoạn video do Nhà nước Hồi giáo IS công bố cho thấy một chiến binh thánh chiến nói tiếng Nga đã ca ngợi "anh em ở Sinai" của mình khi "bắn hạ" một máy bay chở khách của Nga và đe dọa sẽ tấn công nhiều hơn. Nhưng Nga và Ai Cập nói rằng nhóm khủng bố này không có các phương tiện để bắn hạ máy bay.
5 chiến binh thánh chiến IS trong video thừa nhận bắn hạ máy bay Nga. Ảnh chụp màn hình |
Trong video mới phát hành, 5 chiến binh thánh chiến IS được nhìn thấy ngồi ngoài trời, 1 người trong số họ ca ngợi những chiến binh ở bán đảo Sinai khi bắn hạ được máy bay chở khách A321 mang theo 224 người của Nga.
Được bao quanh bởi 4 chiến binh thánh chiến, người đàn ông trông giống người Xla-vo, nói cả tiếng Nga và tiếng Ả Rập, nói với Tổng thống Vladimir Putin, cảnh cáo nhà lãnh đạo Nga rằng ông sẽ hối hận khi nhắm tới IS tại Syria.
Cầm một con dao trong tay, anh ta đe dọa sẽ tiếp tục bắn hạ máy bay, xâm lược các nước và giết người để trả thủ chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.
IS ban đầu cố gắng để nhận trách nhiệm vụ bắn hạ máy bay Airbus 321 ngay sau khi máy bay bị rơi trên đường từ Sharm-el-Sheikh của Ai Cập tới St.Petersburg hôm 31/10.
Tuy nhiên, tuyên bố này nhanh chóng bị các quan chức Nga và Ai Cập bác bỏ, nói rằng đây là điều "không thể".
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bác bỏ điều đó, nói rằng "không có dấu hiệu cho thấy những kẻ khủng bố bắn hạ máy bay".
Trong khi các quan chức nhấn mạnh không khả năng nào bị loại trừ hoàn toàn cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất thì có những căn cứ hợp lý để tin rằng các chiến binh liên kết với IS đang chiến đấu tại Sinai không đứng sau vụ việc.
Cả quan chức và chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng các chiến binh thánh chiến chỉ có hệ thống phòng không xách tay nên không thể bắn tới độ cao 9.450 m của một chiếc Airbus.
"Theo những gì đã biết, Nhà nước Hồi giáo và các nhóm liên kết với nó không có khả năng bắn hạ một máy bay đang ở độ cao mà chiếc máy bay gặp nạn được báo cáo, khoảng 10.000 m", nhà phân tích an ninh và cựu sĩ quan chống khủng bố của Anh, Charles Shoebridge nói với RT.
Tuy nhiên, hiện nay, các báo cáo mâu thuẫn nhau về số phận của chiếc máy bay chở khách này vẫn đang tràn lan trên các phương tiện truyền thông.
Hôm 3/11, một bác sĩ người Ai Cập đã kiểm tra thi thể của các hành khách và nói rằng tình trạng các vết thương trên đó khiến ông cho rằng "một vụ nổ mạnh đã xảy ra bên trong máy bay trước khi nó bị rơi xuống đất".
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail có mặt tại hiện trường vụ rơi máy bay Nga. Ảnh: Reuters |
Trước đó, một vụ nổ bom ngay trên máy bay đã được nhắc đến như là một khả năng gây ra vụ tai nạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga và Ai Cập lại báo cáo không tìm thấy bất cứ chấn thương nào liên quan đến vụ nổ trong quá trình kiểm tra sơ bộ các thi thể.
"Không có dấu hiệu cho thấy tác động của một vụ nổ được tìm thấy trong quá trình kiểm tra sơ bộ", một nguồn tin giấu tên nói với hãng thông tấn TASS.
Cho đến nay, nhiều nhà điều tra Ai Cập đang nghiêng về khả năng trục trặc kỹ thuật hoặc hỏng hóc máy móc vốn là nguyên nhân thường gặp nhất.
Trong khi đó, một điều tra viên giấu tên của Nga nói với hãng RIA Novosti rằng các bài báo truyền thông đưa đang dẫn những nguồn tin thân cận với cuộc điều tra là "có tác động tiêu cực" tới tiến độ thăm dò. Những kết luận sơ bộ đang làm sai lạc thông tin trong công chúng và gây ra những điều phức tạp cho các cán bộ điều tra.
"Chúng tôi đang nói về việc phổ biến các tuyên bố của những nguồn tin ở Cairo cũng như các chuyên gia được cho là thân cận với cuộc điều tra", một nguồn tin được cho là thuộc bên kỹ thuật nói với hãng thông tấn RIA.
Theo dự kiến, tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn sau khi dữ liệu từ hộp đen được phục hồi nhưng quá trình này dự kiến sẽ mất 4 tuần.
Bảo Linh (theo Russia Today)