Trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta thường thấy hình ảnh các phi tần nhà Thanh nếu phạm tội hay không được hoàng đế sủng ái sẽ bị đày vào lãnh cung. Lãnh cung được coi là nơi đáng sợ nhất Tử Cẩm Thành, là nơi giam lỏng các phi tần của hoàng đế bị thất sủng, phạm tội lớn. Khi vào lãnh cung, những phi tần này không được ăn ngon mặc đẹp, không trang sức, không kẻ hầu người hậu. Lãnh cung chỉ có duy nhất một lối vào là đồ tiếp tế đồ ăn, thức uống hàng ngày.
Tuy nhiên, các nhà sử học Trung Quốc cho biết, sự thật ngoài đời lại khác hẳn trên phim ảnh. Trên thực tế, ở thời phong kiến, các hoàng đế nhà Thanh hiếm khi đày phi tần của mình vào lãnh cung trong Tử Cấm Thành. Thay vào đó, các phi tần phạm tội sẽ bị hạ cấp bậc và phạt lương bổng.
Thông tin này đưa ra khiến nhiều người bất ngờ nhưng đây là sự thật trong lịch sử phong kiến Trung Quốc thời Thanh triều. Chia sẻ trên Sohu.com, Dương Nguyên - Tiến sĩ, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mãn Châu thuộc Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh ở Trung Quốc cho biết, vào thời nhà Thanh, các phi tần hiếm khi bị đày đến lãnh cung.
Thậm chí, lãnh cung không hề tồn tài trong lịch sử nhà Thanh. Nếu phi tần phạm tội hay mắc một lỗi nào đó, cách xử lý cơ bản nhất chính là "hàng cấp phạt bổng" (tức hạ cấp bậc, địa vị và phạt lương bổng nhận được). Mỗi phi tần sẽ nhận được số tiền hàng tháng đều đặn được gọi là bổng lộc, tùy theo chức vụ, địa vị mà số tiền sẽ có sự chênh lệch. Nếu bị giảm lương bổng, các phi tần sẽ có cuộc sống vô cùng khó khăn trong cung.
Đơn cử như thời Đạo Quang Đế, hậu cung của ông có Linh Thường tại. Người này thường xuyên đánh đập cung nữ khiến họ cả người đầy sẹo. Sự việc đến tai hoàng đế khiến ông nổi giận và trừng phạt, giáng cấp bạc Linh Thường tại thành Đáp ứng. Đây được coi như đòn cảnh cáo đối với những phi tần khác nếu dám lộng hành trong hoàng cung.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Kế hoàng hậu Na Lạp Thị của hoàng đế Càn Long. Nhân vật này từng được dựng thành phim trong "Như Ý truyện" do Châu Tấn đóng chính. Trong phim, có phân cảnh Na Lạp Thị bị đày vào lãnh cưng khi còn là phi tần và bị người khác đổ oan, hãm hại.
Tuy nhiên, ngoài đời, Na Lạp Thị chưa từng bị đày vào lãnh cung. Ngay cả khi đã trở thành hoàng hậu, những năm cuối đời, bà bị giam lỏng, quản thúc ở Dực Khôn cung sau đợt đi tuần du đến Giang Nam cùng hoàng đế và tự ý cắt tóc khiến Càn Long nổi giận. Sau bi kịch trên, Kế hậu bị quản thúc ở Dực Khôn cung. Trong thời gian bị quản thúc, Kế hậu không được phép ra khỏi cung điện, các nô tì, thái giám đều bị thay thế bởi người của hoàng đế nhằm nghe ngóng mọi động thái của Kế hậu. Về cuộc sống hàng ngày, khu vực bếp cũng bị dỡ bỏ thay vào đó, Kế hậu chỉ nhận được thức ăn đã chuẩn bị sẵn được chia theo từng phần. Đây cũng là trường hợp duy nhất trong lịch sử Thanh triều ghi nhận một hoàng hậu bị giam lỏng trong Tử Cấm Thành.
Mao Lập Bình - phó giáo sư tại Viện Lịch sử nghiên cứu Thanh triều thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc từng cho biết, sự thật không có nơi nào được gọi là lãnh cung trong Tử Cấm Thành. Chỉ có trên phim ảnh, các nhà làm phim mới tạo ra cụm từ lãnh cung để tăng thêm phần hấp dẫn.
Theo quan sát của các nhà sử học, Diên Hi cung là cung điện cách xa nơi hoàng đế ở nhất nên hầu hết những người sống ở đây đều không được sủng ái. Chẳng hạn như Tần Phi, người đứng đầu các phi tần sống ở Diên Hi cung vào thời Đạo Quang cũng không được hoàng đế sủng ái. Sau này Diên Hi cung cũng nạp thêm nhiều phi tần khác nhưng chủ yếu là những phi tần bị hạ cấp bậc như Dư Thường tại, Linh Thường tại, Lộc Thường tại, Mục Quan nữ tử,... Chính vì thế, nhiều người thường cho rằng Diên Hi cung chính là "lãnh cung" trong truyền thuyết phim ảnh.